Chương 5: Năm xưa

Bức tranh này đến cuối cùng tôi cũng không thể đưa nó cho vị sĩ quan tóc đỏ kia. Đơn giản là vì đã không còn có cơ hội nữa rồi. Nhiều năm qua đi, khi người đã già, tóc đã bạc trắng, mỗi khi ngồi trên xích đu nhìn ngắm những bông hồng dại nở rộ trong vườn, tôi vẫn nhớ về những người, những việc đã xảy ra vỏn vẹn trong bốn mươi ngày này – một khoảng thời gian chẳng dài cũng chẳng ngắn. Hệt như một bài thơ mới bứt mình khỏi những luật lệ cũ kỹ, cổ hủ nhưng lại chẳng kịp chắp bút thì đã lụi tàn.

Tôi tay xách nách mang mà cầm bản vẽ và cần câu đến tìm gã, nhưng vừa đến cổng trụ sở đã bị lính canh chặn lại. Nghe thấy tôi báo tên bố mình, lính gác bèn nói: “Thật xin lỗi, Thiếu tướng Anh và Phó Tư lệnh Sư đoàn Thủy có việc phải ra ngoài, cậu có thể quay lại vào ngày mai…” Lời còn chưa dứt, tôi đã thấy anh ta đột ngột giơ khẩu súng trường lên chỉ về phía sau tôi mà quát: “Ai! Kẻ nào dám lén lút ở đây!”

Lúc này đã chạng vạng tối, tôi quay đầu lại thì thấy một cái bóng xanh chạy vụt vào con hẻm bên đường rồi biến mất.

Tay lính gác bỏ súng xuống, hùng hổ nói: “Thằng chó chết giẫm. Lúc nào cũng lảng vảng quanh đây mà không thấy phiền hả? Mày mà là gián điệp thật thì cứ cẩn thận đấy. Đừng để tao tóm được.” Có lẽ là đã quên mất tôi vẫn còn đang đứng đó.

Tôi bước dọc theo con đường quen thuộc mình vừa đi qua, định bụng sẽ gọi một chiếc taxi. Lúc bước đến trước con hẻm nhỏ hẹp và tối tăm bên đường kia, tôi bỗng mơ hồ cảm thấy bóng người vừa rồi có lẽ là người mà tôi quen biết. Bởi vậy mà tôi dừng bước, chuyển hướng đi vào trong hẻm.

Tiến vào sâu trong hẻm, tôi nhìn thấy một bóng áo khoác xanh lấp ló ở góc ngã ba đường. Người đàn ông kia đứng ở góc khuất cúi đầu không nói lời nào. Anh ta nom có vẻ thấp và gầy hơn tôi rất nhiều. Có lẽ đang suy nghĩ gì đó, hoặc thậm chí có khi anh ta còn chẳng phát hiện ra tôi đang đến gần. Lúc nhìn thấy khuôn mặt bị chỗ tóc mái che khuất, tôi chợt hiểu ra.

“Ông chủ Đằng.” Tôi nhẹ giọng gọi.

Anh ta giật mình, lùi bước về phía sau rồi chợt nhận ra không còn đường lùi nữa. Anh ta dè dặt nhìn tôi, trên mặt là sự hoang mang, bối rối. Anh ta nhìn chằm chằm vào tóc tôi hồi lâu thì mới nhớ ra: “À, ngày ấy cậu có đi cùng anh ấy…”

“Đúng vậy.” Tôi mỉm cười nói. Anh ta nhìn không giống như khi hát hí. Lúc đó, anh ta thoa phấn, khóe mắt và đôi lông mày được vẽ hếch lên, hệt như một người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ. Mà bây giờ, anh ta mặc chiếc áo khoác màu xám, mặc dù vẫn rất đẹp, nhưng lại mang khí khái của một người đàn ông, thân hình đĩnh đạc thẳng tắp, không còn sót lại chút quyến rũ mị hoặc nào.

“Tìm anh ấy sao?” Tôi không muốn xen vào việc của người khác, nhưng lại không nhịn được mà hỏi.

Anh ta vừa xấu hổ vừa tức giận, mặc dù vẻ mặt vẫn ôn hòa nhưng lại lên giọng với tôi: “Vớ vẩn! Tại sao lại tôi phải tìm một người đàn ông mà tôi mới chỉ gặp một lần chứ!”

“Tôi đã nói rõ anh muốn tìm ai chưa?”

Anh ta á khẩu. Mọi lời phản bác đều mắc kẹt trong cổ họng. Một lúc lâu sau anh ta cũng không nói nên lời. Tôi thở dài: “Ông chủ Đằng, tôi nói chuyện này với anh vì tôi ngưỡng mộ anh. Tôi đã gặp nhiều người như anh rồi, và tôi cũng không muốn phải gặp lại họ một lần nào nữa. Đừng tự chuốc lấy rắc rối. Giống như bây giờ, đường lớn không đi lại chọn đâm đầu vào ngõ cụt.”

“Ha.” Anh ta rốt cuộc không nhịn được nữa, ngẩng đầu lên trừng mắt hung hăng nhìn tôi, “Một thằng nhãi ranh vắt mũi chưa sạch, một đại thiếu gia nhà giàu không biết nỗi khổ của thế gian như cậu nghĩ mình đang làm cái mẹ gì vậy? Cậu thì có tư cách gì mà nói vậy với tôi!”

“Nói cho tôi biết đi.” Tôi tiến lại gần anh ta, dồn ép anh ta vào vách tường.

“Đừng có lại gần đây!” Anh ta hét lớn, tay nắm chặt như ngay giây tiếp theo phải đấm vào mặt tôi vậy.

“Nói cho tôi biết, điều gì khiến anh không thể hết hy vọng, điều gì khiến anh suy nghĩ rằng anh có thể gặp lại anh ấy, rằng anh ấy có thể nhận ra anh một lần nữa.”

Anh ta ngây ngẩn cả người, một lúc sau vẫn chưa phản ứng lại. Phải rất lâu sau anh ta mới buông lỏng hai tay, lẩm bẩm: “Anh ấy ngơ ngác nhìn tôi, ngốc nghếch như vậy, thật sự rất dễ mến. Tôi ở trên sân khấu. Anh ấy ở dưới sân khấu. Đôi mắt đẹp ấy, như thể chỉ đang nhìn mình tôi, như thể chúng sinh ra là để dành cho tôi. Tôi còn không kịp đổi trang phục và đạo cụ, vội vàng chạy ra ngoài chỉ để nhìn thấy anh ấy thêm lần nữa, nhưng lại không cẩn thận bị ngã, anh ấy đã chìa tay ra đỡ lấy tôi. Anh ấy còn nói với tôi: Ông chủ Đằng, sao anh lại hậu đậu như vậy, ông phải cảm ơn thiên tài tôi đây…”

Tôi cười: “Con người anh ấy là như vậy. Đối xử với ai cũng ân cần. Dù là hồng phấn giai nhân chợt thấy hay là lam nhan tri kỷ cùng chung chí hướng… Thế nhưng huynh đệ chỉ có một mà người bên gối cũng không có hai. Ông chủ Đằng còn nhớ người đàn ông bên cạnh anh ấy chứ. Vóc người cao lớn, ưa nhìn. Người ấy là huynh đệ của anh ấy…” Tôi còn chưa kịp nói hết câu, anh ta đã vuốt mặt một cái thật mạnh, đẩy tôi ra rồi chạy ra ngoài. Tôi nhìn bóng lưng của Đằng Chân Kiện Tư khuất dần trong màn đêm, như một con chuồn chuồn giấy mỏng manh cô độc.

Đêm đến, tôi ở trong phòng nhìn chằm chằm bức tranh kia thật lâu. Ông chủ Đằng nói đúng. Đôi mắt đẹp như vậy, từ trong bức tranh nhìn ra, cứ như thể chỉ nhìn mình tôi, như thể chúng sinh ra để dành cho tôi vậy. Mái tóc đỏ đẹp như vậy, thân hình đẹp như vậy … Người đàn ông này, chỉ khi biến thành một tờ giấy mới có thể nhìn thấy, chạm vào được. Mới có thể trở thành ký ức tốt đẹp thuộc về tất cả mọi người.

Có người gõ cửa, nhẹ nhàng bước vào, rồi đóng cửa lại. Là em họ của tôi, em nói: “Anh ơi, em không ngủ được. Mấy ngày nay trong lòng em lúc nào cũng hoảng hốt. Thật sự rất khó chịu. Em luôn cảm thấy khi ngày hôm nay qua đi, vào lúc em thức dậy vào sáng mai, không biết chuyện gì sẽ xảy đến.”

Tôi an ủi em: “Đừng sợ, có anh ở đây, không phải sợ.”

Em nói: “Em nghe chú hình như bảo gia đình chú sẽ qua Pháp, vì chú anh ở đó sống khá tốt. Nhưng bố em chưa thể rời bỏ việc kinh doanh mà ông đã làm hơn mười năm nay. Em sợ rằng chút thời gian này sẽ trôi qua, chúng ta sẽ phải gặp cảnh sinh ly từ biệt.”

Tôi nói: “Đi được là tốt rồi.”

Khi em nhìn thấy bức tranh trước mặt tôi, mắt em lập tức sáng lên. Em bước tới, mê mẩn sờ vào những vết lồi lõm do sơn màu, tấm tắc khen nói: “Đẹp quá anh ơi. Lần này đã tô màu xong rồi. Còn đẹp hơn cả bức trong sổ phác thảo.”

Tôi nhìn vẻ mặt hâm mộ của em, nói: “Thích chứ? Hay anh cũng vẽ một bức tranh, chọn em làm người mẫu.”

Em giật mình, vui sướng nói: “Thật sự sao, em cũng có thể giống anh ấy sao…”

“Tại sao lại không?” Tôi khẽ vuốt tóc em: “Em xinh đẹp như vậy, bức tranh vẽ em nhất định sẽ rất đẹp.”

Dưới ánh đèn, em ngượng ngùng ngồi trên chiếc ghế gỗ. Hai chân kề nhau và hai tay để lên đầu gối mang vẻ e lệ và dè dặt như một trinh nữ. Tôi dựng một tấm vải vẽ, chậm rãi miêu tả khuôn mặt như hoa của em.

Tiếng hò hét như dòng nước, như hạt đậu nhảy trong sàng, đập thẳng vào mặt. Đập mạnh. Đập mạnh. Tiếng gầm rú chấn động, hòa với máu giống như một tấm màng căng phồng. Căng phồng. Càng ngày càng mỏng hơn rồi mỏng hơn. Sẽ rách. Sẽ rách. Sẽ rách!

Tôi mở mắt ra, mồ hôi nhễ nhại. Hôm nay là ngày 16 tháng 12. Tôi mơ một giấc mơ tê tâm liệt phế. Lúc tỉnh dậy, tôi thực sự nghe thấy tiếng hò hét như nước siết giống trong giấc mơ. Cách đó không xa có con đường bốc khói nghi ngút trời. Bên ngoài cửa sổ bầu trời xám xịt, bụi bay mù mịt, giống như một cơn bão điên cuồng đang nổi lên.

Tôi vội vàng mặc quần áo, xuống lầu đi thẳng ra cửa, lại bị dì Lưu chặn lại. Bố tôi đang ngồi trên sô pha. Mẹ tôi và em họ tôi cũng ở đó, hai người phụ nữ đều có chút sợ hãi. Bố lớn tiếng nói: “Súc sinh! Mi còn muốn ra ngoài đâm đầu vào chỗ chết! Hôm nay mọi người đều ở trong nhà, không được phép đi đâu hết!”

Tôi nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng vẫn ngồi xuống, cùng bọn họ chờ người giúp việc chuẩn bị bữa sáng.

Sau đó tôi mới biết rằng ngày hôm đó là ngày thành lập Ủy ban công tác quản lý nhà nước Ký Sát. Sáng sớm cổng thành đã bị đám đông quá khích tông mở. Hàng nghìn sinh viên mang bên mình kinh nghiệm từ cuộc biểu tình bảy ngày trước, xác định tuyến đường và hành động có chiến lược. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ mà những người biểu tình đã đi qua cầu vượt.

Không biết từ khi nào, trời bắt đầu mưa như trút nước. Bố tôi đang ung dung đọc báo. Đài radio đang phát những tình hình mới nhất về vụ biểu tình và đàn áp. Tôi vểnh tai nghe tiếng động bên ngoài cửa sổ. Giữa cơn mưa tầm tã, tôi nghe thấy được. Nghe thấy tiếng gầm thét của những người nô lệ đã bị áp bức gần một trăm năm: “Đả đảo quân bán nước!” “Đả đảo quân ngụy!” “Trả lại Đông Bắc!” “Đả đảo đế quốc Nhật!”… Tiếng cô gái qua chiếc loa cứ câu được câu mất, mang theo những tiếng tạp âm của máy móc.

“Quần chúng đang di chuyển… tập hợp ở cầu vượt… dòng người đổ xô đến cửa Chính Dương… tòa nhà ngoại giao… phản đối ủy ban Ký Sát…”

“Chính phủ đã điều động cảnh sát trên toàn thành phố… hai trung đoàn vũ trang… nổ súng ngăn cản…”

“Dân thành thị tụ tập hơn một vạn người… đại hội dân thành thị thông qua và phản đối sáu chủ trương…”

“… Quân đội Nhật Bản… cửa Chính Dương…xèo xèo…kẹt…”

Bố tôi cau mày, đưa tay ra tắt chiếc radio. Tất cả những gì còn lại là tiếng mưa không dứt, ngay cả tiếng la hét cũng biến mất.

Trưa ngày hôm sau, bố tôi ngồi trên ghế sô pha đọc báo mới vừa được đưa đến như thường lệ. Tôi thoáng thấy trên trang nhất in tiêu đề: Sự thành lập của Ủy ban quản lý nhà nước Kí Sát đã bị hoãn lại. Bố tôi xem xong một bên, lại nhìn sang trang khác. Một hồi liền hắt hơi, cúi đầu dụi mũi, tháo kính ra. Ông dùng khăn tay lau cẩn thận, lau xong vẫn thấy chưa sạch, lau lại lần nữa. Đến khi đeo lại, chiếc kính phản chiếu ánh sáng khiến đôi mắt sau cặp kính mơ hồ không rõ.

Bố tôi bưng cái chén lên, lúc uống trà có vài giọt bị rỉ ra, bắn vài giọt lên chiếc áo gấm lụa. Ông đứng dậy, bình tĩnh gấp tờ báo vài lần rồi ném vào lò sưởi, sau đó đi lên lầu. Tối hôm đó, bố tôi không ăn tối cùng chúng tôi.

Vài ngày sau, trường học cuối cùng cũng cho học sinh đi học trở lại. Ngồi nghe đám hồ cẩu bằng hữu luyên thuyên, thì tôi mới biết tin Thiếu tướng Anh Mộc Hoa Đạo, tư lệnh sư đoàn 131 của quân đội Đông Bắc, đã hy sinh. Vào chạng vạng ngày 16 tháng 12, quân đội người Nhật đóng quân ở Bắc Bình bắt đầu xếp các loại súng máy rồi càn quét các sinh viên và quần chúng không tấc sắt. Cũng không biết vì sao, đột nhiên Anh Mộc Hoa Đạo, một sĩ quan của Quốc Dân đảng, lại dẫn đầu những binh sĩ có vũ trang chống cự lại, ở cửa Chính Dương bắt đầu nổ súng. Cả hai bên đều thất bại. Nghe nói khi đó sĩ quan tóc đỏ lại phạm vào bệnh cũ, mang theo thuộc hạ đi uống rượu, uống rồi thì đầu nóng lên, lại nghe lũ giặc đàn áp phong trào diễu hành, không chút suy nghĩ liền lao lên.

Tôi hỏi Việt Dã Hoàng Minh: “Sau đó thì thế nào, gã trong lúc hỗn loạn bị quân Nhật Bản đánh chết sao?”

“Làm sao có thể? Ai mà không biết rằng một khi Anh Mộc Hoa Đạo của quân đội Đông Bắc chiến đấu, gã còn hơn cả miêu chín mạng, dù đánh thế nào cũng không chết. Tôi nghe người ta nói, sau vụ này, gã không chỉ không được ngồi vào vị trí thiếu tướng, mà còn bị cấp trên xử phạt. Kết quả lệnh xử phạt còn chưa ban xuống, gã đã bị ám sát trong đêm tại phòng làm việc ở trụ sở tạm thời ở Bắc Bình. Hung thủ sau khi nã súng vào người gã cho đến chết, đã thiêu rụi ngôi nhà, đến mức mà xác người cũng suýt không nhận dạng được.”

“Hung thủ sau đó thì sao?”

“Chạy trốn rồi, không bắt được. Ngay cả một tấm ảnh cũng không tra ra. Hẳn là kẻ có rất nhiều tiền. Phía trên cũng mắt nhắm mắt mở, dù sao Bắc Bình cũng không có nhiều người, đa số đều là tướng quân, tham mưu trưởng, …, một người chết cũng không sao.”

Một lúc sau, tôi nhận ra điều gì đó, hỏi: “Còn Thủy Hộ Dương Bình, anh ta thế nào?”

Việt Dã Hoàng Minh nhíu mày suy nghĩ, rốt cục cũng nhớ ra: “Là huynh đệ của Anh Mộc Hoa Đạo phải không? Mấy ngày trước khi xảy ra việc này, hắn đã bị phái đi Duyên An báo cáo, khoảng một tháng sau mới có thể trở lại.”

Ngay khi chuông reo, tôi thu dọn cặp sách rời đi. Hai ngày nay trời vẫn mưa không ngớt. Ô thì không có mà tài xế cũng không thể đến đón. Tôi đầu trần đi trong màn mưa. Mái tóc ướt nhẹp do cơn mưa dán chặt vào trán tôi. Vậy là ở cái thế giới này, ngay cả chút đấu tranh duy nhất tôi có cũng bị tước mất. Trận mưa này dù không lớn nhưng từng hạt mưa nặng trĩu cứ tí tách rơi xuống miệng, vào mắt, vào tai… Những hạt mưa mát lạnh, ẩm ướt và trơn trượt, linh hoạt luồn lách như những một con rắn tạo từ băng giá lạnh buốt. Và rồi tôi sẽ bị chúng ăn mòn, lục phủ ngũ tạng sẽ bị đục khoét, máu tươi sẽ bị hút cạn, và xương cốt sẽ bị gặm nhấm, cho đến khi chỉ còn lại một bộ da người xẹp lép… Tối ngày hôm đó, tôi lại cùng bố đến tòa nhà Quảng Hà xem kịch, vẫn là nhóm người của Đương Hồng diễn. Lần này không còn tiếng ồn ào náo nhiệt của những người quân nhân, nên có lẽ bố sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ.

Vở kịch này là ‘Vĩnh biệt phi tần của nhà vua’ – một vở kịch rất nổi tiếng. Ở cảnh thứ ba, ngay khi Ngu Cơ vừa xuất hiện, dưới đài bỗng lặng ngắt như tờ. Y lại đánh phấn, vẽ lông mày và khóe mắt hếch lên, giống như một người phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ. Ở trên sân khấu, y là kiều thiếp được sủng ái của bá vương, là giai nhân tuyệt sắc, là một người phụ nữ anh hùng vừa si tình vừa dũng cảm. Cởi mũ phượng khăn quàng, y cũng chỉ là một chàng thanh niên trẻ có những ham muốn, tâm tư của riêng mình. Y cũng có nguyện vọng như những nam nhân bình thường khác, đó là mong muốn tìm được người thật sự yêu thương mình, người mà mình có thể chân chính ôm vào lồng ngực.

Cao trào của buổi diễn nằm ở khung cảnh này. Tiếng đàn nhị vang lên trong đêm tối, ê a bì bõm, tiếng đàn càng nghe càng buồn hơn. Ngu Cơ hát: “Xin hoàng thượng uống rượu nghe đàn, giải tỏa nỗi quân sầu bằng điệu múa này. Doanh Tần đang khai phá đất nước, anh hùng khắp nơi đang chiến đấu. Từ xưa, người ta đã nói rằng ‘Không nên lừa dối ai, giàu nghèo chỉ trong chốc lát, hãy uống thật thoải mái trong chiếc lều đầy kho báu’.” Y bắt đầu múa kiếm, bá vương thoải mái cười ha ha. Y lại hát: “Thà nghe tin tình báo xem thế nào.”

Y trên sân khấu tựa như trong giấc mộng, rất giống với người nọ.

Kết thúc vở kịch, Ngu Cơ chia tay với Bá vương ở ngoài lều, Ngu Cơ hát: “Quân Hán xâm lược đất đai, bốn phía bị cô lập. Đại vương đã hết sức, tiện thiếp không sống nổi.” Hạng Võ bạch: “Ôi!” Ngu Cơ đưa kiếm cho Hạng Võ, Hạng Võ xua tay từ chối. Ngu Cơ bạch: “Bệ hạ! Tất cả những nơi bị bao vây đã vùng lên rồi!” Hạng Võ: “Đợi sự cô đơn đến” Ngu Cơ rút kiếm của Hạng Võ, hét: “Đừng!” Lưỡi kiếm sắc bén như sắp chuẩn bị cắt vào cổ.

Tim tôi như nghẹn lại trong cổ họng. Không hiểu sao tôi luôn có dự cảm rằng sau màn khi màn kịch này kết thúc, ông chủ Đằng sẽ chết thật. Vào thời điểm lưỡi kiếm chạm vào da, tôi hận không thể nhảy lên ghế, hét với y: Hãy sống tốt! Hãy quên gã đi!

Keng! Thanh kiếm rơi xuống, Ngu Cơ từ từ ngã xuống đất. Ngu Cơ đã chết, nhưng y không chết, y vẫn còn sống. Chỉ có sống y mới có thể nhớ đến người đó, và chỉ khi còn sống, y mới có thể quên được người đó. Tôi thấy một giọt nước mắt chảy ra từ đôi mắt nhắm nghiền của anh ấy… Thật thật giả giả, đâu ai biết rằng đây là thật hay chỉ là diễn.

Hạng Võ thấy người mình yêu chết, liền hét lên: “Ôi trời!” Hát: “Vừa thấy hai hàng nước mắt rơi, hai hàng nước mắt, hận không bị mũi tên xuyên thủng tim. Bây giờ ta có sức bảo vệ núi non lại không thể bảo vệ một người phụ nữ, một người phụ nữ!” Lại tiếp tục bạch: “Đến! Đi xuống!” Bốn cung nữ đi ra từ hai bên đỡ Ngu Cơ xuống. Hạng Võ bạch: “Mang mã nghênh địch!” Nói xong thì lên ngựa, binh lính dẫn Hạng Võ xuống. Hạ màn.

Sau buổi biểu diễn, dưới đài tiếng vỗ tay như sấm dậy. Trong ánh sáng lờ mờ của quán trà, mọi người dường như đã quên đi những năm tháng đầy biến động. Đất nước đang lâm cảnh khủng bố xâm lược, sắp gục ngã dưới gót sắt của bọn giặc. Tôi cảm thấy mặt mình hơi ươn ướt, đưa tay ra lau, tất cả đều là nước mắt. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ khóc. Đây là lần đầu tiên. Tôi quay đầu nhìn bố. Đầu ông cúi gằm xuống, nước mắt đầm đìa trên mặt.

Đêm đó, khi tôi đang nằm trên giường, tôi đột nhiên muốn cười. Ai mà ngờ được người sĩ quan tóc đỏ kỳ lạ, kiêu ngạo lại chết như thế này. Ngay vào lần đầu tiên nhìn thấy gã, tôi đã biết rằng gã sẽ chết. Một người đơn thuần như vậy không nên sinh ra trong ở cái thời buổi loạn lạc như này. Nếu gã không chết, gã sẽ chỉ bị vấy bẩn bởi thế giới bẩn thỉu này. Có điều, tôi chỉ nghĩ rằng gã sẽ chết trên chiến trường, chết trên lưng ngựa, giương cao lưỡi lê, gào lớn ‘Xông pha’, cho đến giây cuối cùng cũng không ngã xuống.

Gã cứ vậy mà chết đi, thật sự vô cùng uất ức. Nếu gã dưới cửu tuyền biết rằng mình chết kiểu vậy, nhất định sẽ chửi ‘mẹ nó’.

Sau này tôi mới biết rằng mình đã nhầm. Vì vào cuối tháng 12, bất ngờ truyền ra một tin tức chấn động. Dinh thự của Trung tướng Lưu Xuyên Phong, tham mưu trưởng quân đoàn số 2 của quân đội Quan Đông Nhật Bản tại Bắc Bình bị ngọn lửa nhấn chìm. Khi biển lửa bị dập tắt, các cán bộ, chiến sĩ lại tìm thấy hai thi thể ở trên hành lang phòng ngủ. Cả hai đều chỉ còn một tay. Một người là trung tướng của họ, và người kia là Tư Lệnh Sư đoàn 131 của Quân đội Đông Bắc, người mà đáng lẽ đã chết vào ngày 16. Cổ gã bị xích lại, cả hai xương bánh chè đều bị gãy. Tóc của gã vẫn đỏ như vậy, dù có bị đốt trụi, vẫn đỏ chói như vậy, giống như còn sống vậy.

Hai người họ ôm chặt lấy nhau, hạ thân của một người còn đang nhét bên trong cơ thể của người còn lại. Chiếc thìa được mài nhọn hoắt đang cắm thẳng vào tim người kia. Cánh tay trái bị gãy của trung tướng thậm chí còn chưa lành hẳn. Hắn dùng cánh tay duy nhất để ôm chặt sĩ quan tóc đỏ, chặt đến mức không thể tách rời.

Nguyên nhân vụ cháy nhanh chóng được tìm ra. khi Trung tướng Lưu Xuyên trút hơi thở cuối cùng, hắn duỗi chân ra và đá vào ngọn nến đầu giường.

Lần này gã thực sự chết rồi, đến tận lúc chết cũng không đợi được lúc quay về bên người mình yêu.

Ha, thật là uất ức, tôi cười thành tiếng, lau những giọt nước mắt ướt nhòe trên khóe mắt. Đây là thế sự vô thường.

Tối hôm đó, anh trai tôi ngồi trên xe lăn, nhìn ngọn lửa đang hừng hực trong lò sưởi. Chân anh ấy sắp lành, sau khi lành hẳn, anh ấy có thể tự do đi lại khắp Bắc Bình. Anh vẫn không nhúc nhích, sườn mặt tuấn tú bừng sáng dưới ánh lửa lập lòe ảm đạm. Tôi nói với anh: “Anh, muốn khóc thì cứ khóc đi.” Anh ấy không nói gì, cũng không khóc.

Bố tôi từ trên lầu đi xuống, hai ngày nay ông đều giám sát người hầu thu dọn hành lý, tốt hơn hết là đến chỗ em trai ở Pháp càng sớm càng tốt. Ông mệt mỏi ngồi xuống sô pha, đấm đấm chân, che miệng ho khan vài tiếng. Anh tôi quay sang, bình tĩnh ôn hòa nhìn người đàn ông không cùng huyết thống với mình, nói: “Bố, bệnh tình của bố vẫn luôn không tốt mà, phải chú ý sức khỏe đấy.”

Bố tôi ngơ ngác nhìn anh, nước mắt chảy ra.

Mãi đến tận đêm hôm đó, tôi mới nghe thấy tiếng khóc kìm nén của anh trai ở cách vách.

Ngày 7 tháng 7 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 25, quân đội Nhật Bản mở đường đến huyện Vạn Bình và cầu Lô Câu. Sáng ngày 8 tháng 7, quân Nhật bao vây trấn Uyển Bình và mở cuộc tấn công vào đồn binh của quân Trung Quốc tại cầu Lô Cầu. Hai mươi chín cán bộ, chiến sĩ đã vùng lên đánh Nhật. Quân Nhật bị tổn thất nặng nề. Một chiến sĩ cầm gươm lớn xông vào chém chết mười ba lính Nhật, hi sinh lừng lẫy vì tổ quốc. Tên của hắn được người sau nhắc đến là Thủy Hộ Dương Bình, cựu phó tư lệnh Sư đoàn 131, Quân đội Đông Bắc. Sau khi mất thì được phong làm liệt sĩ, trên ngôi mộ đơn giản chỉ khắc một câu:

“Những chuyện thiếu nữ như thế này chỉ nên chia sẻ trong đêm vắng, còn khi trời sáng, mặc lên bộ quân phục, chỉ nên làm những thứ nên làm.”

Vào ngày 29 tháng 7, Bắc Bình thất thủ. Từ đó về sau, Bắc Bình đã thoát khỏi những tháng năm tăm tối trong tám năm thống trị của Nhật Bản và quân Ngụy.

Năm đó, tôi sắp bước sang tuổi mười chín. Tôi đang ngồi trên bờ hồ An Tích xinh đẹp ở Pháp, kiên nhẫn câu một con cá mà tôi mãi không câu được. Anh trai tôi học kinh doanh tại Đại học Paris, thành tích rất tốt. Còn tôi thì dừng vẽ tranh, một lòng một dạ tập trung học cử nhân ngành Y, bởi vì tôi không còn muốn vẽ lại cái gì nữa. Tôi đã vẽ hai người, một người là người trong mộng của tôi, người còn lại là người vợ sẽ sống cùng tôi hết quãng đời còn lại.

Đàn ông có thể yêu rất nhiều lần trong đời, nhưng đẹp nhất và đau đớn nhất chỉ có một lần. Khi tình yêu đó đột ngột mất đi, người thiếu niên sẽ trở thành một người đàn ông. Nhạt nhòa nhất và lâu dài nhất cũng chỉ có một lần. Nó như dòng nước chảy uốn lượn làm bạn với con người ta đến khi đầu tóc đã bạc.

Cuối cùng tôi cũng không thể đưa bức tranh kia giúp thầy Trạch được. Tôi phải đặt nó vào đáy hòm, cứ vậy mà đậy kín.

Có tiếng bước chân nhẹ nhàng sau lưng tôi, là em họ của tôi – có lẽ tôi nên gọi em ấy là Tiểu Tình. Em bước đến cạnh tôi và ngồi xuống. Em ấy cao hơn một chút, nở nang và hấp dẫn hơn. Em ấy nhìn theo tầm mắt của tôi, nhìn về phía dãy núi xám xanh ở phía bên kia hồ, nhẹ giọng nói: “A Trương, em, có đôi khi em cảm thấy rằng anh không giống người sống ở thời đại năng động này. Thật bình tĩnh, giống như không quan tâm tới bất cứ điều gì.”

Tôi cười: “Anh không quan tâm gì nữa đâu, anh đã quan tâm đến quá nhiều thứ rồi… Hiện tại điều anh quan tâm nhất chính là em.” Tôi lấy từ trong túi áo sơ mi ra một hộp nhung màu vàng, bên trong gắn hai chiếc nhẫn: “Đính hôn đi, Tiểu Tình, chúng ta sẽ kết hôn sau khi tốt nghiệp, sống trọn đời với nhau.”

Em ấy sững sờ hơn nửa ngày, cuối cùng che miệng khóc. Tôi nắm tay em bước từng bước về nhà.

Ở thời đại này, cho dù chúng ta đã đánh mất cái rễ để sống của mình, cũng phải cố gắng nở những bông hoa xinh đẹp trong đêm, bởi vì đây là thanh xuân như nước của chúng ta.

–END–