Năm nay địa long trong vương cung đốt sớm hơn nhiều so với những năm trước, chỉ mới đầu tháng mười đã bắt đầu đốt. Đương lúc ý thu càng nồng sắp bắt đầu mùa đông, mà Chiêu Viễn lại ở vào cực Bắc, giữa hai mùa hạ đông thường thường không có khoảng giao mùa quá dài. Luôn kiểu hôm qua còn có thể mặc đồ mỏng nhẹ hay áo đơn, hôm nay đã phải thêm một cái áo da nữa rồi.
Có chừng một tháng Tiêu Nhiên không vãng lai gì đến chỗ bãi đất kia, nhưng chiến tích oai hùng thần dũng chiến đấu với mấy người mà không thua của y vẫn truyền ra ngoài. Chỉ tiếc “nhờ ơn” Hưu Qua, đoạn sự tích này đã bị cái chuyện hoang đường sau đó của bọn họ mau lẹ thay thế trở lên sốt dẻo, phóng tầm mắt toàn bộ đô thành Chiêu Viễn, hơn nửa thần dân đều say sưa bàn chuyện về cái sự ân ái gắn bó như keo sơn giữa Vương thượng và Điện quân hết cả.
Từ sau cuộc yêu nọ Tiêu Nhiên phải tĩnh tâm lại mất ba bốn ngày, y vốn hay xấu hổ, trời sinh tính tình đơn thuần nội liễm. Tuy ở trước mặt Hưu Qua y cũng có thể thoải mái loã lồ tâm ý, trong lúc yêu cũng tình nguyện gạt bỏ xấu hổ chủ động một chút, nhưng nếu bảo đem thứ tình cảm này bày trước mặt mọi người để mà nói, thì y còn lâu mới mặt dày sánh ngang Hưu Qua được.
Tiêu Nhiên thậm chí còn nghĩ thôi cứ làm ổ luôn trong tẩm điện không ra khỏi cửa nữa, chờ mọi người quên chuyện này rồi y lại lộ mặt. Chỉ tiếc Hưu Qua nghiễm nhiên một bộ hôn quân, mỗi ngày đều cần y kè kè bên người mới bằng lòng chăm chỉ xử lý công việc.
Cho nên y vạn bất đắc dĩ lại bó tay hết cách, chỉ có thể dựa vào nền tảng khinh công nhẹ nhàng tuấn dật của mình, mỗi ngày bay lên nóc tẩm điện đạp đầu tường lặng lẽ lượn về tẩm điện. Giả sử y có quang minh chính đại mà đi chắc chắn sẽ chẳng ai ngay mặt bàn tán cả, nhưng y lại cứ tự cố tình tránh như có tật giật mình thế.
Ngày nọ, lúc Hưu Qua đang xem sổ con thì nghe thấy tiếng động ầm ầm bên ngoài, bèn buông đồ xuống đi ra ngoài xem thử. Vừa mới ngẩng lên đã thấy Tiêu Nhiên cúi đầu ủ rũ ngồi xổm trên nóc điện nghị sự, phía dưới là một đám hộ vệ canh giữ như thể gặp đại địch. Hưu Qua là người đầu tiên bật cười, hắn nỗ lực ráng kiềm khóe môi vừa nén tiếng cười vừa dỗ Tiêu Nhiên xuống dưới. Tiêu Nhiên giống con mèo bị kẹt trên cây quá đi, vừa quẫn vừa thẹn dựng thẳng thẳng cái đuôi xù lông, lông lưng xù lên xõa tung mềm mại một lối chạy từ tai đến sống lưng.
Tất cả tin từ khu chăn thả truyền đến đều là tin tức tốt. Năm nay cỏ nuôi gia súc phát triển tốt, ngày hè có đủ nước mưa, công tác phòng nắng nóng cũng thoả đáng, cho nên trước mắt bò cừu có sản lượng cao. Chỉ chờ bê con và cừu con mới sinh lớn thêm một chút nữa, kịp lúc trước lúc mùa đông lạnh đỉnh điểm đến lùa bò cừu tới nơi tránh rét rồi quây vào chuồng là coi như thuận lợi qua năm nay.
Cứ thế thì chỉ cần qua thêm một hai tháng nữa là Hải Lực Tư có thể trở lại Chiêu Viễn, bởi thế thái độ của Hà Miểu Miểu với Hưu Qua cũng khá hơn nhiều, dắt làn váy đến phòng nghị sự cũng chuyên cần hơn hẳn. Hưu Qua không có bản lĩnh đọc nhanh như gió đó như nàng, nên có Hà Miểu Miểu thay hắn phân loại phê chuẩn chú giải trước, hắn mới xem nhanh hơn nhiều.
Cũng không phải Tiêu Nhiên không muốn giúp hắn, mà là khả năng văn chương của y còn chưa bằng Hưu Qua nữa. Từ nhỏ y đã chỉ học võ không học văn, lúc Lăng Duệ nghe thầy giảng bài thì y phải đứng phơi nắng mệt rã rời ở ngoài cửa, văn vở “chi, hồ, giả, dã” chỉ có như nước đổ đầu vịt.
Trong phòng nghị sự lúc rảnh rỗi, y cũng cầm bút son cùng nỗ lực với Hà Miểu Miểu phụ giúp Hưu Qua. Có điều trời không chiều lòng người, Bắc Nguyên lựa chọn quan viên từ trước đến giờ không câu nệ xuất thân, có không ít nhân tài không gặp thời ở mẫu quốc đành nhờ vả Hưu Qua. Chữ viết Bắc Nguyên thì quá mức phức tạp, tất cả sổ con đều lấy chữ Hán của Nam Triều làm chủ, song có quan viên vẫn chưa hoàn toàn nắm chắc loại ngôn ngữ này, thành ra thỉnh thoảng còn viết lẫn một ít chữ mẫu quốc vào đó.
Hưu Qua là khi còn bé liền theo mẫu thân học ngôn ngữ và văn tự của các quốc gia, Hà Miểu Miểu là trời sinh thông minh, sau khi đến Bắc Nguyên đi theo Hưu Qua nhìn nhiều cũng tự suy ra được. Riêng Tiêu Nhiên thì ngay lời văn tiếng Nam Triều quá tối nghĩa thôi cũng phải cần hơi ngừng bút cân nhắc rồi, càng khỏi nói đọc thứ này. Y cúi đầu tận mắt thấy mực trên bút son khô rành rành lại, quai hàm ngậm nhân phỉ thì đau lâm râm. Y cầm sổ con như gặp kẻ thù truyền kiếp đọc gần hai khắc mới phân rõ được trọng điểm trên đó, mà cùng mức thời gian đó, đã đủ để Hà Miểu Miểu xếp lên bàn Hưu Qua hẳn một chồng sổ đã phê chú xong xuôi.
Chú thích lại: khắc là đơn vị đo thời gian cổ, 1 khắc = 15 phút.
Một Tiêu Nhiên như thế thiệt sự là quá quá đáng yêu! Khuôn mặt tuấn tú lai láng hòa lẫn vẻ chân thành và đơn thuần của trẻ con, cái rầu lòng muốn điên lên vì đọc không hiểu cùng sự bướng bỉnh một lòng muốn đỡ đần hắn của y dung hợp vào nhau một cách hoàn mỹ. Hưu Qua chống cằm tỉ mỉ chiêm ngưỡng khuôn mặt người yêu, còn như công chuyện đang dở tay thì thôi, quên từ mùa quýt thuở nào rồi.
Hơn hai mươi năm trước, phụ mẫu Hưu Qua cũng là như thế, hắn ngồi trên ghế đung đưa đôi chân nhỏ ngắn mẩu, người cha không thiện chính sự kia của hắn ỉ ôi cầm cán bút viết viết vẽ vẽ lên sổ con, còn người phụ nữ xinh đẹp hiền đức thông minh thì đứng cạnh một bên bàn cúi người chỉ điểm. Hưu Qua thực sự khắc sâu cảnh tượng này, mẹ hắn ngày thường mặt mày dịu dàng ăn nói nhỏ nhẹ, mà hễ vừa đến phòng nghị sự chính là thiết diện vô tư[0], nếu như cha Hưu Qua không đọc xong năm mươi cuốn sổ con thì đừng có hòng được về ngủ tẩm điện.
[0] Thiết diện vô tư: đại ý công chính, liêm khiết, không dễ bị tình cảm hay người khác làm ảnh hưởng.
Cả nhà ba người bọn họ luôn thường ở phòng nghị sự đến tận đêm khuya, hắn buồn ngủ đến cuộn mình thiếp đi trên ghế, trong lúc mông lung có thể cảm giác được mình được mẹ dịu dàng ôm lấy. Chỉ là không đợi hắn chúi đầu vào vòng tay bà, cha hắn sẽ xách cổ hắn đoạt hắn ra khỏi, chẳng thèm quan tâm xem hắn có bị dọa tỉnh, có bị sợ hay không. Tóm lại là giống như tuyên cáo lãnh thổ vậy, một tay xách hắn cũng không thèm đếm xỉa gì, một tay khác ôm mẹ hắn ngắm ngắm khóe môi bà rồi thì hôn chụt một tiếng khá là vang dội.
Hà Miểu Miểu ngẩng đầu khỏi bàn, trông thấy cảnh Hưu Qua ngậm cán bút đang nhìn Tiêu Nhiên đắm đuối. Đôi mắt thâm thúy của người đàn ông rọi ánh nến vàng ấm áp, bóng nghiêng của Tiêu Nhiên bị sự dịu dàng đong đầy của hắn nồng nàn cuốn theo, tựa như ngay cả tấm lưng luôn luôn bạnh cứng còng cũng đều mềm mại hơn rất nhiều.
Nàng không khỏi nhớ lại khi còn bé ở cửa thư phòng của cha, nàng luôn yêu thích ngồi xổm dưới đất nhìn vị tiểu ca ca gầy gò này. Khi đó Tiêu Nhiên như một thanh kiếm tỏa ra thứ ánh sáng sắc lạnh, mặc cho thoạt nhìn không phải quá dễ trêu vào, cũng vẫn luôn khiến người ta cảm thấy y cô đơn tịch mịch đến có chút đáng thương.
Nàng cũng đã từng hỏi Hà Dĩ Tu, tại sao loại người thoạt nhìn không phải người tốt như Lăng Duệ này lại có được sự đồng hành của một tiểu ca ca tốt như Tiêu Nhiên thế nhỉ. Vấn đề này làm nàng khó hiểu hồi lâu, mãi đến tận lúc nàng được Tiêu Nhiên cứu rồi bôn ba đến Bắc Nguyên, gặp phải Hưu Qua thuở đó hãy còn niên thiếu phởn phơ, nàng mới biết chẳng qua Tiêu Nhiên tạm thời chưa tìm được nơi dừng chân chân chính mà thôi, sớm muộn gì cũng có một ngày người tốt và người tốt sẽ thành thân thuộc.
Mà mặc dù cảnh tượng trước mắt ấm áp mỹ mãn, Hà Miểu Miểu vẫn không thể bất chấp Hưu Qua ngang nhiên thực hiện hành vi đào ngũ này được. Nàng gấp sổ con lại, vòng tay tinh xảo phát ra một tiếng lanh lảnh, ngay sau đó là sổ con ghé thăm chính giữa trán của người đàn ông nọ. Hà Miểu Miểu phạm thượng một cách lý lẽ hùng hồn, hừ lạnh một tiếng, mắt hạnh bởi vì bất mãn mà híp thành một cái khe. Tiêu Nhiên mới nghe thấy động tĩnh hiển nhiên vẫn chưa thoát khỏi bể khổ học hành vô biên, y xoa mắt mờ mịt ngẩng đầu chậm mất tích tắc. Hà Miểu Miểu thì đã thẳng người ngồi ngay ngắn nhoẻn miệng cười, Hưu Qua thì vội ho khan một tiếng nhặt sổ con nằm quay đơ trong tay lên rất nghiêm túc cúi đầu đọc.
Lại là trưa một ngày nọ, Tiêu Nhiên theo Hưu Qua cùng cơm trưa tại phòng nghị sự. Một đĩa xương ống sốt tương, y đặc biệt đam mê với loại xướng ống còn nguyên gân với màng. Thịt mà Hưu Qua lóc sẵn ra cho y y cũng không màng tới, nhất định phải tự mình bưng một cái xương khó gặm gặm đến miệng nhoen đầy váng mỡ mới chịu.
Hưu Qua trông mà tơ tưởng viển vông, đầu không nhịn được cứ hình dung cái xương ống còn dính ít thịt đó thành thứ đồ trong đũng quần của mình. Tiêu Nhiên rất ưa thích mùi vị canh thịt, liên tục liếm mút xương cốt đến hết cả vị mới bịn rịn nấn ná thả nó xuống.
(Ewww thứ chồng hư nết =))))
Ngay lúc Tiêu Nhiên đang gặm miếng xương thứ hai, đột nhiên có cấp báo vào cửa, đó là An Cách Thấm phong trần mệt mỏi. Cậu như là liên tiếp bôn ba mấy ngày mới về, đến cằm đều lún phún màu râu. Hưu Qua không thể không thu ý nghĩ ướt át của mình lại, làm giá một vị cần vương trước mặt hậu bối. An Cách Thấm móc một phong thư mật báo được đóng dấu sáp niêm phong từ trong ngực ra, là Tháp Lạp tự tay viết, trên đó tất cả đều là chữ viết Bắc Nguyên cổ xưa loằng ngoằng.
Tuy Tiêu Nhiên không phải kẻ nhạy cảm, nhưng y vẫn cảm nhận được ánh mắt An Cách Thấm nhìn mình có hơi lưỡng lự. Hưu Qua thì lại nhìn kỹ càng trang giấy trong tay một cách hiếm thấy, dần dần nhăn mày. Rồi đương lúc y định bụng bưng cơm nước lên lánh đi trước, thì Hưu Qua đã vứt đồ trong tay xuống, trầm giọng mệnh An Cách Thấm nói rõ ràng cụ thể từng chuyện một ra. Tiêu Nhiên vì thế mà thoáng dừng bước, qua lời Hưu Qua y lại nghe ra được cảm xúc hắn có phần nôn nóng, nên theo bản năng tính ở lại nghe thử, nghĩ xem liệu có thể san sẻ một vài thay hắn hay không.
Hưu Qua không lên tiếng bảo y đi chỗ khác, An Cách Thấm thì lại càng không tỏ ý phải tránh y. Thiếu niên trên lưng ngựa bôn ba mấy ngày, khản giọng kể tỉ mỉ sự việc viết trong thư. Tiêu Nhiên thoáng nghe thì cứng người lại. Ngoài cửa gió núi gào thét mà qua, làn gió đã đẫm cái lạnh lại vẫn cứ thổi ra một luồng khí thế tựa bão táp chực ập tới.
Thì ra Lăng Duệ khai thác một mỏ quặng ngay tại Sùng Quan, quặng sắt chở ra ngoài hàng xe một. Tân đế đã qua cơn loạn thuở mới lên ngôi, hiển nhiên cực kì hiếu chiến như tổ tiên của gã, đại tu binh khí cải tiến quân bị. Tai mắt mà Bắc Nguyên chôn ở Nam Triều được đến tin tức này thì tức khắc truyền về ngay, ý đồ chạy đua chuẩn bị chiến tranh của Lăng Duệ quả là không thể rõ hơn được nữa.
Thực ra trăm năm trước đây Sùng Quan vốn thuộc đất Bắc Nguyên, một hồi thiên tai kèm dịch bệnh khiến bách tính hơn chục tòa thành trì lầm than. Lúc đó hoàng đế Nam Triều lợi dụng lúc người ta gặp khó khăn, một đòn công chiếm thành trì thiêu chết vô số nạn dân, chỉ vì để có thể thâu tóm khoáng sản dồi dào ở dãy núi đất Sùng Quan này. Từ đó về sau Nam Triều khai mỏ khởi công, giàu quặng sắt, quân bị binh khí tốt hơn mấy đẳng cấp so với các nước láng giềng[1]. Còn mấy vạn oan hồn máu thịt nạn dân, thì trở thành tảng đá đúc nên cái phồn vinh thịnh thế xứ Nam Triều ấy.
[1] nguyên văn là 领国 (lǐng guó): Lãnh quốc, lãnh trong lãnh thổ, nhưng sau khi tra baidu, tham khảo thêm các trang và bắt được cứu trợ từ chị Fly209 với bạn người Trung của chị thì khả năng rất cao tác giả gõ nhầm (hoặc giả thuyết đơn giản tác giả thích dùng như vậy =)), vì từ này và từ 邻国 (lín guó): nước láng giềng, bính âm khá giống nhau. Xét riêng về mặt ngữ cảnh của đoạn này, thì nó cũng phù hợp nên mình quyết định để vậy..
||||| Truyện đề cử: |||||
Tổ tông Hưu Qua không phải chưa nghĩ chuyện khai mỏ đúc binh khí, chỉ là trong con mắt người Bắc Nguyên trước giờ luôn tôn sùng tự nhiên, thì chuyện khoét núi chặn sông là việc bất kính bậc nhất đối với Trường Sinh Thiên. Sùng Quan hiểm trở, núi đá đen óng không có cây cỏ. Lớp các Tiên vương Bắc Nguyên đời đầu cũng từng thử khai thác ở đây, nhưng được mấy tháng cũng cho người đình công rồi lấp lại. Càng mệnh con cháu hậu thế tuyệt đối không thể xây dựng quân sự ở Sùng Quan được.
Mạng lưới tình báo hỏi thăm cực kỳ tường tận, cũng có phỏng đoán khá chắc chắn về tổng sản lượng khoáng thạch. Lần này Lăng Duệ ít nhất muốn bành trướng thêm hai mươi vạn binh mã nữa tại Sùng Quan, cộng với hai mươi vạn ban đầu có, vậy là bốn mươi vạn đại quân cả thảy ngấp nghé bờ cõi Bắc Nguyên.
Phong mật báo này vừa đến, Hưu Qua thế tất yếu phải bắt tay chuẩn bị cho chiến tranh. Bài học của tổ tiên quá sức đẫm máu, hắn đang phải đối mặt với một đám hoàng tộc tham lam đỉa hút máu người, tuyệt đối không thể để thảm kịch mấy trăm năm trước lại tái diễn tại đời này của hắn được.
Tiêu Nhiên nhất thời đầu óc trống rỗng, y chưa vào quân doanh bao giờ, cũng không thể tưởng tượng nổi một cuộc chiến sự chỉ dùng dăm câu ba lời là có thể sắp xếp trù bị ra sẽ làm chết và bị thương bao nhiêu người. Nước canh trên tay y còn chưa lau sạch đã hơi két lại, nước hầm xương khô đi nhơm nhớp. Cho nên khi y giơ tay lôi ống tay áo Hưu Qua, đầu ngón tay còn không linh hoạt lắm.
Y chỉ mở miệng theo bản năng bảo Hưu Qua trước tiên không nên tham chiến. Trí nhớ mơ hồ trong đầu y dần dần thành hình, y nhớ tới một vị phu tử bạch y nho nhã từng cười xoa xoa đỉnh đầu y, bảo y cứ chờ sau này mà xem. Tiêu Nhiên bụng thầm có biết bao lời muốn thốt ra lại kẹt cổ họng, mà chỉ vì một ánh mắt của Hưu Qua bỗng tan thành khói mây.
Hưu Qua bỏ tay y ra, Tiêu Nhiên thò tay túm lại lần nữa, lại nực cười sượt qua ống tay áo của người nọ. Y mịt mờ rọi vào đáy mắt Hưu Qua, cặp đồng tử màu nâu đậm kia loang loáng chút cay đắng, cũng có mấy phần cô đơn chợt lóe lên. Hưu Qua nắm lấy đầu ngón tay y nói y biết rằng, đây là việc liên quan đến vô số dân chúng Bắc Nguyên, hắn thân là quân vương một nước, phải bảo vệ dân chúng của hắn, giữa gìn bờ cõi tổ tông hắn đã chiến đấu mà có.
Tiêu Nhiên mãi đến vào đêm đều luôn chờ trên nóc tẩm điện. Hưu Qua lần đầu tiên khiến y rời phòng nghị sự trước, y thì nói gì nghe nấy mà đi. Song trở lại tẩm điện trống rỗng thì y cũng không nghỉ trưa tròn giấc được, đành dứt khoát nhảy lên nóc nhà ngồi hết mấy canh giờ.
Màn đêm bao phủ tòa vương thành dưới chân, sao sáng lộng lẫy chiếu rọi lẫn nhau, tinh hà mênh mông trên không trung hội tụ thành dải lụa hoa lệ lấp lánh. Tiêu Nhiên thỉnh thoảng lại tóm tóm cổ áo lông bù xù, lớp lông thú cản gió ấy vậy mà bị y tóm trọc một mảng nhỏ.
Cũng không phải y có ý định che chở Lăng Duệ hay Nam Triều, càng không phải quá mức nhân từ không chịu nổi chết chóc thương tật, y từ lâu đã đem mình gộp cả vào phe Hưu Qua rồi. Bắt buộc phải nói chính ra y không muốn nhìn thấy thương vong, thì cũng là không muốn nhìn thấy tướng sĩ Bắc Nguyên thương vong. Y hoàn toàn có thể phủ thêm chiến giáp lấy mũi đao nhắm ngay yết hầu Lăng Duệ vì Hưu Qua, y cũng có thể dùng máu thịt chính mình vì người đàn ông ấy mà mở mang bờ cõi.
Hồi trưa ngày y chỉ là muốn kể cho Hưu Qua một kiến giải khi còn bé từng nghe, thứ giả thuyết bị rất nhiều người cười nhạo do hoang đường mà có thể chỉ y còn nhớ đến. Tiêu Nhiên hà hơi một ngụm rồi chà xát ngón tay đã tê dại, nỗi chua xót khó diễn tả bằng lời kẹt ở cổ họng y lửng lơ hồi lâu. Y lần nữa tự nhắc bản thân cũng không có gì để mình oan ức cả, Hưu Qua là quân vương, đúng lý nên cân nhắc cho thần dân đầu tiên. Chứ nghe lời nói nhởn nhơ kia của y, đừng nói hiểu lầm giận dỗi, nếu thật sự cho y một cái tát y cũng chịu được nữa là.
Mấy câu nói của Hưu Qua cứ quẩn quanh trong đầu y thật lâu. Khi chiến sự chân chính bắt đầu, y vì Hưu Qua mặc giáp giết địch, đẫm máu mà chiến, y sẽ luôn nhớ đến vẻ mặt và ngữ điệu của Hưu Qua khi nói ra những câu này. Y biết mình đã yêu một bậc quân vương chân chính, cho nên mãi đến thời khắc lựa chọn sinh tử, y tình nguyện vứt bỏ tính mạng, cũng sẽ không để Hưu Qua vì y mà biến thành tội đồ của Bắc Nguyên!
Tiêu Nhiên lại đếm sao giết thời gian nửa canh giờ nữa. Tiếng bước chân về tẩm điện của Hưu Qua rất gấp gáp, như rốt cuộc nhận thức lại được rồi sợ y giận trốn mất. Tiêu Nhiên trông thấy hắn cuống cuồng loạn xị vọt vào trong điện tìm một vòng rồi liền vội vàng chạy ra bên ngoài. Thế nên y đem theo nụ cười có chút bất đắc dĩ, nhanh chóng đứng dậy vỗ vỗ vạt áo nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi nóc nhà, tự chui đầu vào lưới rớt vào trong ngực người đàn ông đã muộn mới trở về ấy.
Y gắng thể hiện chút vẻ mặt thoải mái, cũng thử ngước lên định hôn cằm Hưu Qua. Có điều không đợi y kiễng chân lên, Hưu Qua đã kịp ôm chặt y vào trong lòng trước rồi. Hắn gần như mất tiếng nói câu xin lỗi với y.
Người đàn ông hẳn là đã bị Hà Miểu Miểu xoắn lỗ tai dạy bảo hệt như bộ dạng một chú cún to xác mắc lỗi. Nếu thật có một cái đuôi dài chỉ e cũng phải run rẩy cụp chặt luôn cũng nên. Tiêu Nhiên dở khóc dở cười cùng hắn vào trong điện, lại kìm lòng không đặng nâng tay vuốt ve khóe mắt rũ xuống của hắn.
Tiêu Nhiên toàn thân đều bị gió thổi lạnh thấu, Hưu Qua ôm y tiến vào bể tắm ngâm một khắc, lại sai người chuẩn bị cơm tối lần nữa. Tiêu Nhiên thả tóc ngồi trong lồng ngực hắn, uống canh cừu hầm được hắn đút cho. Cả mấy lần y định mở miệng nói rõ sự tình đều bị hắn dùng cái thìa chặn trở lại. Hưu Qua vẫn cứ đút đến lúc trong bụng y cũng coi như no tàm tạm, rồi mới để y từ từ nói những lời muốn nói hồi trưa nãy. Trái lại giờ đây, phảng phất cứ như tính mạng của mấy vạn thần dân đều không quan trọng bằng khẩu vị của y vậy.
Lăng Duệ từng có một người phu tử họ Văn, tài trí hơn người học tài hiểu rộng, anh ta dòng dõi thư hương, tổ tiên học thông hiểu thạo nhất chính là sơn xuyên địa mạo[2]. Thầy Văn thông hiểu mỗi một ngọn núi mỗi một dòng sông trên đời. Chỉ duy khi nghe anh ta giảng bài, Tiêu Nhiên đứng ngoài cửa mới không cảm thấy buồn ngủ. Người thầy nọ cũng khác với những phu tử khác. Có lẽ thấy y nghe giảng nghiêm túc quá, liền chuẩn bị thêm một cái băng ghế nhỏ cho y để ở cửa, có lúc thậm chí còn đặt cả một chén trà lạnh chua ngọt ngon miệng nữa.
[2] Nghiên cứu bề mặt núi sông đất đai, hiểu nôm na giống như nghiên cứu địa hình địa chất bây giờ vậy.
Sau đó lão hoàng đế lần nữa dấy binh, đào ra được một mỏ quặng tại chủ mạch Sùng Quan. Cả triều đều đua nhau chúc mừng, tất cả mọi người đều bảo trời xanh có mắt, có lô quặng mới này, binh lực Nam Triều lại tăng lên gấp đôi cũng không phải việc khó.
Chỉ có vị Văn phu tử bệnh tật đầy mình này, áo quần trắng phơ lên điện liều chết khuyên can. Anh ta nói Sùng Quan là khởi nguồn của hơn nửa thủy văn Nam Triều, đáy núi sông ngầm rắc rối phức tạp. Đào mỏ ở dư mạch[3] đã là bí quá hóa liều rồi, lại còn động đến chủ mạch[3] ắt sẽ khiến núi lở quan sụp vĩnh viễn không cứu lại được.
[3] Xét trong một quần thể dãy núi thì hiểu như:
Chủ mạch: Những dãy núi chính, cao lớn hơn hẳn.
Dư mạch: chỉ những dãy núi phụ, thấp hơn nhỏ hơn trong quần thể núi đó.
Không ai chịu tin lời anh ta. Lão hoàng đế thì vì có thêm tiếng thơm không giết kẻ sĩ nên vẫn chưa trị anh tội đụng độ trên điện. Tiêu Nhiên nhớ rõ rành rành, hôm ấy y theo Lăng Duệ tiến cung, phu tử Văn gầy yếu sống sờ sờ đâm đầu chết dưới cây cột sơn trong chính điện, máu và óc chảy đầy đất. Phu tử nho nhã bạch y bị đám thị vệ trực ban ngày ấy lấy chiếu cói[4] bọc lại khiêng ra ngoài, Lăng Duệ đứng trước y, ngẩng đầu nhấc chân bước qua bãi máu đó, cứ như thể căn bản chẳng quen người thầy đã dạy bảo gã mấy năm này.
[4]草席: chiếu của TQ xưa thì đa dạng và được dệt từ đủ loại cỏ cây. Bên VN thì chủ yếu dùng cây cói nên mình dùng chiếu cói cho nó thân thuộc.
Năm ấy Tiêu Nhiên mười hai tuổi, trước một hôm lên điện chầu, phu tử Văn bảo Lăng Duệ cho vời y đi giúp đỡ dọn chuyển sách. Y ôm hòm sách đi theo sau phu tử, người thanh niên đó dùng bàn tay thon gầy xoa khẽ đỉnh đầu y, bảo y cứ chờ sau này mà xem, chưa đến mười ba năm nữa Sùng Quan tất có đại loạn.
“Nói thật, anh ta gầy đến mức ngay cả nửa cái hòm sách cũng không bê nổi, em cũng không biết anh ta ra sao mới có thể đập mình vỡ thành như vậy… Người khác đều nói gã là kẻ điên, khả năng cũng chỉ có mình em tin chuyện, thế nhưng đã mười ba năm, qua năm nay chính là năm thứ mười ba rồi.”
Tiêu Nhiên lấy thìa khuấy canh cừu hầm đã nguồi nguội, y không dám ngẩng đầu lên, chỉ sợ trong mắt Hưu Qua cũng lộ ra sự khinh thường và giễu cợt như đám người kia. Y mím lên cái vành bát định uống canh, nhưng Hưu Qua lại đã lôi cái bát của y trước, rồi múc thêm một bát canh hãy còn nóng bốc khói từ trong nồi ra.
“Em cũng càng không phải bởi vì Lăng… Em được sư phụ nhặt ngoài quan ngoại, cũng không tính hẳn là người Nam Triều, anh muốn khai chiến em theo anh ra chiến trường, nhưng em chỉ muốn anh chờ thêm chút nữa, nếu có khả năng là thật, anh có thể… chúng ta có thể tránh được rất nhiều thương vong.”
Tiêu Nhiên đổi một cách diễn đạt khác. Y siết chặt cán thìa ngước đầu lên nhìn người đàn ông phía đối diện. Hưu Qua khoác một chiếc áo đơn rộng ngực, bờ ngực màu mật long nhong lộ ra ngoài, vết thương cũ thuở xưa đã rất mờ. Y quả thực không nỡ thấy thứ da thịt gần như hoàn hảo nọ có thêm vết thương mới nào nữa hết.
Đáp lại y là một nụ hôn. Người đàn ông cướp đi mùi canh thịt thơm ngon trong miệng y, còn cướp đi cả nước bọt y, hơi thở y. Ngón tay Tiêu Nhiên run lẩy bẩy, ánh nến đong đưa làm hốc mắt y phát cay. Hưu Qua tin y. Lời nói của một vị phu tử Nam Triều lấy cái chết để cảnh cáo mọi người, bị chính đất nước của mình khinh rẻ, nay mười năm sau, cuối cùng nó lại được tin bởi vị quốc vương một đất nước cách xa xôi ngàn dặm.
“Anh sẽ chờ vậy, anh tin em, người em tin anh cũng tin, anh sẽ chờ đến đầu xuân năm sau rồi bàn lại, A Nhiên, em cứ an lòng.”
Tóc Tiêu Nhiên còn chưa khô hẳn, Hưu Qua đặt tay rồi dùng sức xoa đỉnh đầu y mấy lần. Cũng không biết định là an ủi y hồi trưa hắn lỗ mãng, hay là đang “ăn giấm” với cái thuở mười mấy năm trước nữa. Hắn hôn đi hôn lại đuôi mắt Tiêu Nhiên, tựa như một đứa trẻ ngây thơ tin tưởng kẻ lạ vô điều kiện vậy, đánh cược tính mạng binh tướng cùng thần dân.