Tiêu Ngọc không khỏi bất ngờ, ngoài cô ra không còn ai có chìa khóa phòng tranh – ngay cả ông nội Tiêu Trường Thư cũng không có tư cách bước vào phòng tranh này.
Trong lúc ngạc nhiên, cô thậm chí còn quên buộc khăn lụa..
Hình như Đàm Triệt đã chạy đến đây, anh thở dồn dập, vừa mở cửa liền nhìn thấy Tiêu Ngọc, hai tay chống gối đầu hít một hơi thật sâu, cũng không xông vào trong phòng.
“Hóa ra là như vậy.”
Một lúc sau, Đàm Triệt rốt cuộc cũng thở đều, anh ngẩng đầu nhìn chằm chằm Tiêu Ngọc, không chút nghĩ ngợi nói ra lời này.
Đây là lần đầu tiên Tiêu Ngọc đối mặt với Đàm Triệt, rất khác so với trong ảnh. Nhưng nghĩ lại, có nhiều người không ăn ảnh, tính từ lúc cô có bức ảnh của Đàm Triệt đến giờ đã mười năm.
Mười năm, cô sẽ không bao giờ có mười năm để lãng phí nữa.
Cả người Đàm Triệt ướt đẫm, áo len mỏng dính sát vào người, dáng người cao gầy, bờ vai rộng, cánh tay dài, eo thon, khác hẳn vẻ nho nhã yếu ớt của Tiêu Ngọc.
Nhìn lên trên, mái tóc đen của Đàm Triệt rối tung, nước nhỏ giọt từ chân tóc xuống, một vài giọt trượt dọc qua tóc xuống khuôn hàm góc cạnh của anh, rơi xuống đất. Tiêu Ngọc tự hỏi có phải cô hoa mắt không, nhưng cô mơ hồ thấy khóe mắt Đàm Triệt… hơi ướt, dường như nước mưa rơi vào trong mắt anh.
Gương mặt đứng đắn và nhã nhặn như vậy, lại mang một đôi mắt đa tình.
Khóe môi Tiêu Ngọc giật giật, phiền muộn trong lòng tan đi một chút, thay thế bằng suy nghĩ một suy nghĩ khác – chả trách Tiêu Giác lại không quên được anh.
Nghĩ đến đây, Tiêu Ngọc dần bình tĩnh lại.
“Tiến sĩ Đàm”, Tiêu Ngọc nói, “Anh có thể cho tôi một lời giải thích không?”
Nửa giờ trước, Lưu Vi đến gọi Tiêu Ngọc dậy, nhưng phát hiện trong nhà không có người. Cô vội vàng gọi điện nhưng gọi mãi mà không ai nghe máy.
Đúng lúc này, trên đảo bắt đầu đổ mưa. Chủ nhà trọ tốt bụng nhắc nhở Lưu Vi mưa không nhỏ, tốt nhất không nên ra khơi.
Lưu Vi không có tâm trạng để quan tâm đến hành trình gì nữa, cô cầm ô, chạy ra ngoài hỏi thăm xung quanh, mới biết “cô gái mù xinh đẹp” đã chống gậy lên núi từ hai tiếng trước.
Lưu Vi nghe xong liền choáng váng. Cô biết Tiêu Ngọc là người tùy hứng nên đã chuẩn bị tâm lý khi bắt đầu làm việc, nhưng cô không nghĩ tới cô ấy lại tùy ý* như thế. Có hàng chục ngọn đồi lớn nhỏ trên đảo Linh Sơn này, đây cũng là lần đầu Lưu Vi đến đây.
(*Nguyên văn là “Tùy tâm sở dục” – tùy ý, làm gì tùy thích)
Trong lúc vội vàng, Lưu Vi chợt nghĩ đến Đàm Triệt.
Ở trên tàu du lịch, trong lúc cô đang chóng mặt đã nghe được cuộc nói chuyện giữa Tiêu Ngọc và Đàm Triệt, chẳng lẽ Tiêu Ngọc đi tìm anh ấy? Hay, anh ta đã giới thiệu cho Tiêu Ngọc địa điểm thú vị nào?
Dù sao đi nữa, Lưu Vi phải gọi cho Đàm Triệt để hỏi tình hình.
Ở bên này, Đàm Triệt và một nhóm học sinh cũng mắc mưa.
Họ đã chuẩn bị kỹ càng, lấy ra áo khoác và ô từ trong túi xách, ra ngoài thực hành không phải chỉ chọn ngày nắng mà những tư liệu thu thập được trong thời tiết khắc nghiệt cũng có giá trị.
Một nữ sinh quên mang ô, nở nụ cười chui vào ô của Đàm Triệt, đám bạn phía sau cười nhạo – Tâm tư của Tư Mã Chiêu, ai cũng biết!
Lúc này, Đàm Triệt nhận được cuộc gọi từ Lưu Vi.
Anh không biết Tiêu Ngọc có thể đi đâu. Ở một mình trong thời tiết xấu như vậy rất nguy hiểm. Vẻ mặt Đàm Triệt lập tức thay đôi, anh hỏi Lưu Vi: “Cô ấy có từng nói khi lên đảo sẽ đi đâu không?”
Lưu Vi ngập ngừng nói: “Không có … Tử Nhập chỉ muốn đến tham quan, lắng nghe tiếng biển để thư giãn. Nhưng, cô ấy có mang một bức tranh”. Nói đến đây, cô thấy việc này không liên quan gì đến việc Tiêu Ngọc mất tích, “Nhưng bức tranh hiện đang ở chỗ tôi, cô ấy không mang theo.”
“Tranh? Tranh gì?”
Lưu Vi không biết vì sao Đàm Triệt đột nhiên lại căng thẳng, thành thật trả lời: “Tranh thủy mặc.”
Trong đầu Đàm Triệt như hiện lên một chuỗi sự việc, anh cảm thấy có thứ gì đó anh chưa từng hình dung đột nhiên ập đến, trái tim anh bỗng nhiên thắt lại bởi vì phỏng đoán này, anh nghe thấy chính mình khàn giọng hỏi: “Có phải tên của bức tranh là “Phong nguyệt vô biên” không?”
“Làm sao anh biết được?!”
Đàm Triệt để lại ô cho cô gái, cúp điện thoại.
Sao có thể là tình cờ gặp Tiêu Ngọc trên đảo Linh Sơn được? Sao anh có thể ngốc như vậy chứ!
Đàm Triệt chạy ngược chiều gió, chạy rất nhanh, hạt mưa đập vào mặt làm anh đau điếng, từng cơn gió lạnh quấn lấy thân thể anh, trái tim trong lồng ngực như sắp nhảy ra ngoài.
Khi còn nhỏ anh không thích học vẽ, ngay cả dưới sự dạy dỗ của Phùng Thư, một họa sĩ nổi tiếng trong giới, anh cũng không tiến bộ được. Ông nội Đàm Ngự Chương và Phùng Thư là bạn cũ, hai người thường vừa nhâm nhi trà vừa thở dài nói anh không có năng khiếu.
Có một lần, Phùng Thư vô tình nói, nếu như Anh Lam có cháu trai, thì nhất định sẽ có thiên phú hơn người.
Lúc đó Đàm Ngự Chương không có phản ứng gì đặc biệt, nhưng sau khi Phùng Thư đi, ông nhốt mình trong phòng tranh ở áp mái cả đêm. Đàm Triệt cho rằng là do anh không có năng khiếu vẽ tranh làm ông nội tức giận. Lúc anh mang đồ ăn do bà nội làm lên, thì ông đang nằm trên bàn ngủ.
Trên tay ông có những lá thư nằm rải rác, nét chữ đã bị nhòe ra, chữ ký vẫn còn rõ ràng – Anh Lam.
Tư thế ngủ không đúng, nên ông nội ngáy rất to. Đàm Triệt đứng ở bên cạnh một lúc lâu, mới ngơ ngác hiểu được ông nội có lẽ đang nhớ người nào đó.
Ông rất nhớ, cho nên, rất thương tâm.
Sau ngày hôm đó, ông nội không còn bắt anh học vẽ nữa. Theo nguyện vọng của anh, ông gửi anh đến các trại hè khoa học, sinh học khác nhau, cho phép anh dành cả ngày lẫn đêm đọc “Bách khoa toàn thư cho trẻ em”, “Côn trùng” và “Thế giới dưới nước”.
Trong suy nghĩ của Đàm Triệt, anh cảm thấy tất cả những chuyện này đều liên quan đến người tên Anh Lam, anh rất biết ơn người bà chưa lộ mặt này.
Khi lần nữa nghe được tên bà, lúc đó anh học cấp hai. Phùng Thư đến nhà chơi, nhờ anh pha trà.
“Tôi đến gặp Anh Lam, có gặp đứa cháu gái của cô ấy, gương mặt giống hệt cô ấy hồi nhỏ”. Phong Thư nhận lấy tách trà từ tay Đàm Triệt, nhấp một ngụm, khá hài lòng.
Ông xúc động nói: “Cả hai người các ngươi đều cứng đầu. Nói không gặp thì đến chết cũng không gặp sao?”.
Đàm Triệt nhìn ông nội của mình, mơ hồ phát hiện ra một số thông tin từ lời nói của Phong Thư.
Ông nội cười gượng, khi ông trả lời, dường như không mấy để tâm.
“Cô ấy không cho phép, tôi vẫn đến gặp cô ấy, sau này… Vu Tuệ sẽ như thế nào?”
Vu Tuệ là tên của bà nội Đàm Triệt.
Sau này? Đàm Triệt lẩm bẩm trong lòng, bà Anh Lam ở rất xa sao? Sẽ mất rất nhiều thời gian để gặp bà ư?
Cuối cùng thì ông nội cũng không được gặp bà Anh Lam. Ông bị ung thư, trước khi ra đi, ông đã trải qua những ngày tháng vô cùng đau đớn.
Khi đó, Đàm Triệt đang học cấp ba, cuối tuần nào cũng đi với ông nội đến bệnh viện, ông thường xuyên rùng lên vì đau, phải uống rất nhiều thuốc giảm đau. Đàm Triệt không thể chịu nổi khi nhìn thấy, khi đó anh hỏi ông có cần anh mời bà Anh Lam đến gặp ông không?
Đàm Triệt biết tình trạng sức khỏe của ông nội từ cha mẹ của mình từ lâu rồi, anh sợ ông ra đi mà vẫn còn nuối tiếc trong lòng.
Đàm Ngự Chương từ chối đề nghị của Đàm Triệt, nhưng khi ông mất đi ý thức, ông sẽ vỗ tay anh nói, phải toàn tâm toàn ý đối xử tốt với bé Ngọc.
Đàm Triệt nói cho có lệ, sợ làm ông buồn.
Nhưng trong xã hội hiện đại bây giờ, đâu còn chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Sau đó, ông nội được đưa vào ICU*. Ngày hôm sau, bệnh viện thông báo tình trạng nguy cấp, Phùng Thư vội vã đến bệnh viện. Ông ấy mang theo hai thứ, một chiếc chìa khóa và một bức tranh.
Cả nhà đều có mặt ở đó, khi Phùng Thư cẩn thận đặt chìa khóa vào tay ông nội, ông nói: “Anh Lam cho phép ông, đến phòng tranh với bà ấy.”
“Ông còn nhớ nơi này chứ?” Phùng Thư ánh mắt đỏ lên, “Ông còn nhớ rõ nơi này không?”
Không có gì trong bức tranh, chỉ có một tảng đá bình thường cùng vài bụi cây quấn quanh. Ông nội nắm chặt chìa khóa, trên mặt mang theo nụ cười hạnh phúc, không nói nên lời, nhưng tuyệt vọng gật đầu.
Mọi người trong phòng bật khóc.
Cuối cùng, ông nội để lại chìa khóa cho Đàm Triệt, chỉ sau một năm, Phùng Thư nói với Đàm Triệt rằng bà Anh Lam đã không còn nữa.
Sau đó Đàm Triệt mới biết bà Anh Lam sống trên đảo Linh Sơn.
Gần như vậy, Đàm gia sống ở khu đô thị Thanh Đảo, chỉ mất hai giờ đến bến tàu rồi đi thuyền. Nhưng cho dù khoảng cách gần như thế, ông bà đều đã bỏ lỡ nhau nửa cuộc đời.
Cuối cùng Đàm Triệt cũng hiểu được lời ông nội nói. Nếu ông đến gặp bà, có lẽ ông sẽ không bao giờ quay về.
Bà Anh Lam biết điều đó, cho nên không cho ông gặp mặt.
Nhưng Đàm Triệt không bao giờ nghĩ rằng cháu gái út của bà Anh Lam là Tiêu Ngọc. Thì ra cô gái Tiêu Ngọc được bà Anh Lam nuôi lớn.
Cho nên, cô ấy lấy bức tranh, cho nên, cô đến đảo Linh Sơn, không phải là tham quan, mà là về nhà.
Khi đã nhận ra, Đàm Triệt hận mình ngu ngốc.
Giữa mưa gió, Đàm Triệt lao vào rừng, trong lòng chỉ còn lại một câu.
Đừng bỏ lỡ.