Từ hôm Lý Ẩn đồng ý ra ngoài với mình, trong lòng Đào Hoa âm thầm nghĩ đến cái tâm nguyện này, chẳng hiểu vì sao mà nàng có cảm giác Lý Ẩn có lẽ sẽ không từ chối mình. Trưa đến, Lý Ẩn vào viện dùng bữa với nàng, Đào Hoa nhân cơ hội nhắc thử với y về phường Bình Khang.
Lý Ẩn vừa nghe đã hiểu ngay, chàng nhướng mày hỏi: “Yêu Yêu muốn đến đó hay sao?”
Khuôn mặt đẹp của Đào Hoa ửng đỏ, ngập ngừng: “Nghe nói Đô Tri (1) – Nhan Lệnh Tân (2) nổi tiếng kinh thành dạo này là người tài hoa ngọc cốt, có dung nhan xinh đẹp động lòng người khiến bao nhiêu bậc nhi lang say đắm, sống cả đời mà chẳng được trông thấy nàng ấy một lần chẳng phải sẽ uổng phí lắm hay sao?”
Lý Ẩn nghe xong thì nghĩ thầm, hóa ra tiên sinh nhà chàng đó giờ cũng thích ngắm mỹ nhân chứ không chỉ nhìn mỗi y, chàng thấy hơi chua xót, nhấp một ngụm trà rồi mới đáp: “Ta đã gặp Nhan Lệnh Tân rồi, cũng thường thôi.”
Đào Hoa nghe thấy câu này cứ là lạ, cũng cảm thấy hơi thất vọng, nàng hỏi: “Nhan Lệnh Tân thân là danh kỹ ngàn năm có một, sao lại là hạng tầm thường tục phấn dung chi tục phấn được?”
“Mỹ nhân ở phường Bình Khang nhiều không kể xiết, tuy Nhan Lệnh Tân quả là đẹp, nhưng khó hòng đẹp át được vô vàn mỹ nhân ở đấy. Thậm chí nếu so sánh, nàng ta còn không đẹp bằng Yêu Yêu,” Lý Ẩn dừng một chút, thấy Đào Hoa đã đỏ bừng cả mặt rồi mới từ tốn tiếp lời: “Nàng ta được người đời tôn xưng làm Đô Tri là vì sự thông minh lanh lợi, tài múa nổi trội và có công lớn trong việc gầy dựng Ấp Thúy lâu trở thành kỹ quán nổi tiếng nhất Bình Khang phường mà thôi.”
“Nhan Đô Tri đã tài giỏi như thế thì dẫu diện mạo bên ngoài có bì không kịp thì cũng là một bậc nữ lang nho nhã tài hoa kia mà.”
Lý Ẩn nghe giọng điệu chưa hề tắt hứng của Đào Hoa thì nghĩ ngay: phường Bình Khang tuy là nơi ngư long hỗn tạp (3) nhưng nếu có chàng đi cùng thì cũng chẳng đáng ngại chi. Lần này chiều theo ý nàng, không chừng còn có thể khiến nàng thấy chàng tốt đẹp thêm được một chút.
Nghĩ thế, Lý Ẩn bèn đồng ý với Đào Hoa tối ấy dẫn nàng đến phường Bình Khang. Đào Hoa được chấp thuận thì hớn hở đến mức nắm cả tay Lý Ẩn. Còn chàng thì đã bao giờ thấy qua dáng vẻ vui mừng như đứa trẻ này của nàng bao giờ đâu, chàng không kiềm được sự rung động trong lòng, nắm lấy bàn tay nàng rồi ôm hôn quấn quýt một chốc.
Địa điểm của lần thăm thú này là một chốn xa hoa trụy lạc nên hiển nhiên Đào Hoa phải cải trang nam tử để đi. Vì nàng không thể lên xe ngựa mà Lý Ẩn thì cảm thấy chuyện phải cưỡi một con la nho nhỏ đến phường Bình Khang là chuyện cực kỳ mất mặt mũi nên hai người họ quyết định cuốc bộ đến đây, cả hai sửa soạn và rời phủ khá sớm.
Phường Bình Khang chia làm ba khu nam – bắc – trung. Khu phía nam là lầu gác vàng ngọc, chỗ nghỉ ngơi hưởng lạc của các phường ca kỹ, cũng chỉ có con cháu quyền quý hoặc các bậc văn thân nhã sĩ mới có cơ hội bước vào dốc vàng bạc đổi mỹ nhân hay thậm chí là trở thành thượng khác trong ấy.
Phố phường khi ấy vừa lên đèn, khu phía nam đâu đâu cũng thấy lầu cao gác đẹp, khách vãng lai và du ngoạn thưởng lãm đi đường nhiều không kể xiết. Ai nấy đều mặc áo gấm và khoác áo choàng bằng lông cừu hoặc vải vóc lụa là đẹp đẽ, chỉ khi ngày tàn, các bậc vương tôn công tử, tài tử giai nhân phong lưu nhất mực mới ghé đến đây tụ hội.
Lý Ẩn dẫn Đào Hoa đến Ấp Thúy lâu, tú bà thấy khách đến là Vân Huy tướng quân thì lập tức niềm nở bước ra cửa đón vào. Đợi đến khi cả hai an vị xong xuôi rồi Lý Ẩn mới nói mục đích hôm nay chàng đến là để gặp Nhan Lệnh Tân.
Tú bà nghe thế thì im lặng một chút rồi cười tươi: “Ôi tiếc thật, hôm nay Nhan Đô Tri có tổ chức một buổi tiệc rượu, không bằng hôm nay mang một mỹ nhân mới mẻ khác đến bồi rượu ngài nhé, ngày sau nhất định sẽ gọi Đô Tri đến đích thân bồi tội với tướng quân đây.”
Lý Ẩn nghe xong cũng không hề bất ngờ, Nhan Lệnh Tân thân là danh kỹ đệ nhất thành đô, có vị danh môn công tử nào không muốn mời nàng ta đến để thỏa mãn lòng hư vinh. Nhưng Lý Ẩn không đành lòng khiến Đào Hoa thất vọng, nên mới nói với tú bà rằng chàng không cần Nhan Lệnh Tân bồi rượu mà chỉ cần nhìn qua nàng ta một chút rồi thôi.
Tú bà không dám đắc tội với Lý Ẩn, thứ hai là không muốn tự chặn cửa tiền tài của mình nên đồng ý luôn với Lý Ẩn. Tú bà là hạng lõi đời, vừa nhìn Đào Hoa đã biết ngay nàng là thiên kim giả dạng nam tử, bà chỉ sai người bưng rượu mang điểm tâm đến chứ chả đề cập gì về việc có đưa người đến bồi rượu hay không.
Một lúc sau, tú bà nhận trách nhiệm dẫn hai người Lý Đào đến một khoảng sân, cả hai còn chưa đến gần đã nghe thấy tiếng náo nhiệt không dứt bên tai. Lý Đào bước vào sân, thấy cách đó không xa là nhóm ca kỹ đàn hát trên đài, quan cảnh ồn ào vui vẻ vô cùng.
Một tay Lý Ẩn cầm đèn lồng soi đường, một tay nắm tay Đào Hoa nói: “Người đang làm lệnh quan (4) là Nhan Đô Tri.”
Đào Hoa nhìn theo hướng ánh mắt Lý Ẩn, bắt gặp một vị nữ lang trẻ tuổi mặt trái xoan đang ngồi ngay ngắn ở một góc. Vị nữ lang ấy mắt ngọc mày ngà, đầu cài trâm bạch ngọc khắc thành đóa hoa lê, dáng điệu lả lướt như nhành thủy tiên xinh xắn, đẹp đẽ động lòng người. Đào Hoa chăm chú nhìn nàng, lấy giấy và bút mực từ trong áo ra, phỏng theo dáng người thật của mỹ nhân mà phác họa trên tờ giấy trắng.
Đào Hoa ở trước mặt Lý Ẩn xưa nay đều mang bộ dạng nghiêm túc già đời, đây là lần đầu tiên Lý Ẩn thấy dáng vẻ say sưa như người si này của nàng, chàng cảm thấy rất thú vị, bèn nhấc tay để đèn lòng cao hơn, soi sáng để nàng tiện bề vẽ tranh người đẹp. Đào Hoa đột nhiên cảm thấy trên đỉnh đầu sáng ngời, vừa nhìn đã thấy Lý Ẩn đang tươi cười nâng tay cầm đèn lên chiếu sáng cho nàng, khuôn mặt dưới ánh đèn le lói của chàng sao mà dịu dàng quá đỗi. Đào Hoa trông thấy thế, đáy lòng chẳng hiểu sao có chút bồi hồi, còn hơi mất tập trung.
Đến lúc hồi thần, Đào Hoa bèn dốc toàn bộ tinh lực vẽ tranh, nàng vẽ rất mau, khoảng một phần tư khắc (5) sau, trên giấy đã có một nàng giai nhân tướng mạo nguyệt thẹn hoa nhường. Lý Ẩn thấy Đào Hoa đang bận tập trung vẽ thì cũng không quấy rầy, sau đó có lẽ là vì hai người gây ra tiếng động, Lý Ẩn cảm thấy được có vài ánh nhìn đang liếc một cách dò xét sang chỗ hai người họ nên chàng bước tới, muốn kéo Đào Hoa sát gần mình.
Dọc đường đi, Đào Hoa tay cầm giấy bút, tò mò nhìn khắp nơi, thế mà còn có cảm giác “Gió xuân thả sức cho phi ngựa – Ngày trọn Trường An xem hết hoa” (6)
Về đến chỗ cũ rồi, Lý Ẩn kéo cô nàng Đào Hoa tâm còn đang bận cưỡi ngựa xem hoa ngồi xuống, tay chàng nhẹ nhàng vuốt cánh múi nàng: “Chuyện được đến phường Bình Khang thưởng ngoạn là tâm nguyện của nàng à?”
Đào Hoa cười nói: “Chưa tới phường Bình Khang bao giờ thì không đáng tự xưng là người thành đô.”
Lý Ẩn thấy nàng tươi tắn đến vậy, có một cảm giác đẹp đẽ câu hồn không nói nên lời, chàng bỗng nhiên muốn ôm hôn nàng quá. Khổ nỗi, Lý Ẩn vừa ôm người vào ngực, ngoài cửa đã có tiếng người ầm ĩ vang vọng đến. Hóa ra là trung lang tướng Đái Du dưới trướng chàng cũng trùng hợp ghé đến đây, y nghe Lý Ẩn có ở đây thì toan kéo chàng cùng nhau đi nghe ca xướng. Lý Ẩn vừa thấy y vào đã vội vã chắn trước mặt Đào Hoa, hôm gặp nhau ở vườn đào Đái Du cũng có đến, y cũng đã thấy qua mặt Đào Hoa rồi, Lý Ẩn không muốn người khác gặp nàng nên trước khi đi theo Đái Du còn không quên dặn Đào Hoa cứ an tâm chờ mình, chàng đi uống vài chén rượu, tầm ba mươi phút nữa sẽ về tìm nàng ngay.
Đào Hoa bên này vẫn còn đang bừng bừng hứng thú, mở thêm giấy vẽ tranh. Ba mươi phút trôi qua rất mau, Đào Hoa thoáng nghe thấy tiếng gõ cửa, nhưng nàng chỉ nghĩ đó là thị nữ hay gã sai vặt đến châm trà nên đáp lung tung, người bên ngoài đẩy cửa bước vào rồi mà Đào Hoa vẫn không ngẩng đầu lên nhìn lần nào.
Tiếng bước chân ngày càng gần, Đào Hoa cho là có người đến châm trà thêm bánh nên nói: “Cứ đặt ở đấy rồi lui xuống đi thôi.”
Nhưng người nọ không hề dừng bước chân mà lại đi thẳng đến trước mặt Đào Hoa. Bấy giờ nàng mới cảm thấy không đúng, ngẩng đầu lên nhìn, đập vào mắt nàng là một vị lang quân cao ráo, cả người mặc áo gấm xanh đậm thêu hoa lan, đầu đội mũ quan bằng bạc, mặt mày thư sinh văn nhã, quả là Tần Lại Huyền mấy năm không gặp chẳng sai.
Trong mắt Tần Lại Huyền ngập tràn tâm sự, bấy giờ mày đang nhíu chặt, đôi mắt thấp thoáng vẻ oán hận và tiếc thương.
Chàng ta cúi đầu nhìn Đào Hoa, một lúc lâu sau mới cất lời: “Sao Yêu Yêu lại ở đây?”
Đào Hoa đã mấy năm không gặp y, giờ lại nghe chính miệng y gọi mình là Yêu Yêu thì chỉ cảm thấy trống rỗng như đã cách mấy đời.
Nàng vốn đang nằm nhoài người trên bàn, nghe câu hỏi của y bèn đoan chính ngồi trở lại, khách sáo muôn phần mà thi lễ: “Đào Hoa bái kiến Tần công tử.”
Hết 12.
Chú thích:
(1): Danh hiệu hoa khôi – Dịch nghĩa tên là cả thành đều biết, ý nói vị hoa khôi này nổi tiếng đến mức trong kinh thành không ai không biết.
(2) Nhan Lệnh Tân: Danh kỹ nổi tiếng thời Đường
(3) Ngư long hỗn tạp – Gà chó lên trời: Chỉ một nơi hỗn loạn, mất trật tự, hạng người gì cũng có.
(4) Lệnh quan (Tên hán là Tịch Củ): Tên của người phụ trách quản trò tửu lệnh (Một trò chơi người xưa hay bày để trợ hứng trong mỗi buổi tiệc rượu) Tửu lệnh được tiến hành như sau: Trước khi uống, họ bầu một người làm lệnh quan, có nhiệm vụ đề nghị luật chơi để mọi người bàn cãi, sửa đổi, thêm bớt. Sau khi được mọi người chấp thuận, luật chơi trở thành hiệu lệnh. Lệnh quan phải thi hành hiệu lệnh trước, rồi sau đó mỗi ngư
ời phải thi hành hiệu lệnh một lần. Ai thi hành đúng thì chỉ phải uống một chén nhỏ, gọi là rượu thưởng. Ai thi hành sai hoặc không thi hành thì phải uống một bát lớn, gọi là rượu phạt. (Đoạn trích được dẫn từ quyển Liêu Trai Chí Dị)
(5): Mười lăm phút (Tính theo giờ hiện đại)
(6) Câu gốc (Xuân phong đắc ý vó ngựa tật, một ngày xem tẫn Trường An hoa cảm giác): Trích từ bài thơ “Đăng khoa hậu” của Mạnh Giao – Bản dịch thơ Khương Hữu Dụng
(Bộ truyện có dựa theo bối cảnh nhà Đường nhưng vẫn phóng tác ít nhiều.)