Chương 21: Không bằng cho ta mở rộng tầm mắt

Cơ Tuyết nhìn Nam Cung Giác, thành thật trả lời: "Tiêu và sáo cùng thuộc một bộ, nhưng thanh âm của sáo lại trong trẻo và vang vọng hơn. Tiêu ngọc và sáo ngọc đã có sự khác biệt, tiêu trúc và sáo trúc càng có sự khác biệt lớn hơn."

Nam Cung Giác vuốt râu, gật đầu tán thưởng: "Hiểu biết không tồi. Vậy vì sao ngươi lại chọn cây này?"

"Tùy tiện chọn mà thôi." Cơ Tuyết che giấu tâm trạng nói.

"Vậy sao?"

Nam Cung Giác nhìn ra sự không tự nhiên của nàng nhưng cũng không có ý đào sâu tìm hiểu ngọn nguồn, khẽ nhấp một ngụm trà.

Cơ Tuyết nhìn lão nhân gia, mỉm cười thu lại tâm trạng, nói tiếp: "Hồ cầm thì chỉ có một loại duy nhất. Tỳ bà cùng nguyệt cầm cũng tương tự. Nguyệt cầm và hồ cầm chỉ phổ biến trong hát kinh kịch, tuồng chèo nhưng tỳ bà lại có thanh âm trong trẻo hơn, lại có nhiều âm sắc hơn, gảy được nhiều thể loại hơn, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ nhàng đến réo rắt."

Nam Cung Giác gật đầu hài lòng, nhìn nàng với cặp mắt khác: "Không tồi, hiểu biết cũng thật sâu rộng. Tiếp tục đi."

Cơ Tuyết lại thao thao bất tuyệt: "Về đàn tranh, phổ biến chỉ có mười sáu dây, ít người biết đến còn có loại hai mươi mốt dây. Thật ra hai loại này cách gảy cũng như nhau, có điều thêm nhiều dây thì càng có thêm nhiều âm sắc, cũng có thêm nhiều âm vực khác nhau. Còn có biết vận dụng hay không, thì phải do người gảy đàn rồi."

(Lời tác giả: Đàn tranh Trung quốc có rất nhiều loại, từ 9 - 36 dây. Lời Cơ Tuyết nói với Nam Cung Giác là nói về thời điểm cổ đại chỉ phổ biến loại đàn có mười sáu dây mà thôi.)

"Lợi hại, muội muội, ca phải nhìn muội với cặp mắt khác rồi." Cơ Vũ nghe xong không khỏi vỗ tay tán thưởng.

Nhìn sang Nam Cung Giác, hắn lên giọng: "Thế nào lão gia tử, muội muội của ta đã vượt qua được khảo nghiệm của lão hay chưa?"

Nam Cung Giác liếc mắt khinh thường Cơ Vũ, sau đó mới đối Cơ Tuyết gật đầu: "Xem như đã vượt qua được một nửa."



Cơ Vũ chợt nhảy dựng: "Cái gì mà mới chỉ một nửa? Nam Cung Giác, lão đừng thấy muội muội ta dịu dàng thì lão làm tới."

"Ta nói một nửa thì là một nửa. Sao? Không phục? Muội muội ngươi còn chưa lên tiếng mà ngươi nóng nảy cái gì?" Nam Cung Giác vẫn thờ ơ lãnh đạm nói.

"Ca, ca yên lặng chút đi. Sư bá muốn khảo nghiệm muội thì đó là phúc phần của muội. Chẳng lẽ ca không có lòng tin với muội sao?"

Cơ Tuyết cũng bộ dáng thản nhiên cười. Nếu như nàng đoán không sai, mục đích mà Nam Cung Giác muốn nàng chọn nhạc cụ chẳng qua chỉ là bước đầu, chính yếu là xem nàng chơi được đến đâu.

Hai chữ "am hiểu" mà lão muốn nói đến là nàng có thể chơi được đến trình độ nào. Còn về việc nàng chọn ra mấy loại nhạc cụ này là chuyện lão không lường tới, nói đúng hơn là bản thân nàng đã chọn trúng loại nhạc cụ mà nàng không nên đụng tới, cho nên lão mới muốn làm khó nàng, mà nàng lại có sự hiểu biết nhất định, nghiễm nhiên vượt qua cửa ải mà thôi.

Nam Cung Giác hài lòng, tiếp tục xuất chiêu: "Nếu đã hiểu rõ như vậy, không bằng cho ta mở rộng tầm mắt một chút, xem nha đầu ngươi có thật sự "am hiểu" thật không, hay chỉ là thông qua sách vở?"

Quả nhiên không ngoài dự đoán của nàng, đây mới chính là khảo nghiệm chân chính của lão.

Cơ Tuyết mỉm cười nhìn Nam Cung Giác, gật đầu: "Vậy tiểu nữ cung kính không bằng tuân mệnh, mong được sư bá chỉ giáo."

Nhìn bốn loại nhạc cụ, Cơ Tuyết tính toán trong lòng làm sao có thể khiến lão gia tử hài lòng mà không thể bắt bẻ.

Trí não hoạt động hết công suất, Cơ Tuyết cố gắng tìm ra một khúc có thể kết hợp bốn loại nhạc cụ, cũng có thể chơi đơn lẻ trên mỗi loại. Chỉ có như vậy mới là hoàn hảo không tìm được khuyết điểm.

Sau một hồi suy nghĩ, trong đầu nàng xuất hiện giai điệu của khúc "Lưỡng chỉ hồ điệp" (Đôi bướm bay lượn).

Tuy âm điệu hơi nhanh nhưng chơi riêng lẻ hay kết hợp với bốn loại nhạc cụ này đều được.

Lại tính toán thêm một chút xem sẽ tấu bằng nhạc cụ nào trước.

Xong, Cơ Tuyết mỉm cười tự tin cầm lấy cây tỳ bà, ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện Nam Cung Giác, bắt đầu diễn tấu.

Đôi bàn tay thon dài tựa bạch ngọc bắt đầu nhảy múa trên cây tỳ bà. Thanh âm trong trẻo rộn ràng vang lên khiến người nghe cũng thấy vui vẻ không ngớt.

Cơ Vũ cũng là lần đầu tiên nhìn thấy muội muội của mình gảy tỳ bà, lại còn có thể đạt được trình độ uyên thâm thế này, hắn làm sao không khỏi kinh diễm.

Ngày trước nàng không biết gảy đàn tranh, hắn cũng thử dạy nàng tỳ bà, nàng vẫn là như cũ học hoài không thông. Vậy mà hiện giờ thế nào? Chỉ hơn một năm mà đến tỳ bà cũng thông thạo?



Hắn đã chứng kiến nàng gảy đàn tranh rồi, hiện tại là tỳ bà. Vậy còn hồ cầm cùng sáo thì thế nào? Hắn thật có chút chờ mong.

Khúc nhạc kết thúc, Nam Cung Giác vuốt râu hài lòng. Quả nhiên là am hiểu.

Thế nhưng lão chỉ cười cười mà không nói gì, Cơ Tuyết cũng chẳng quan tâm, đặt cây tỳ bà xuống cầm lấy cây hồ cầm, tiếp tục giai điệu của khúc "Lưỡng chỉ hồ điệp".

Giai điệu quen thuộc vang lên, Nam Cung Giác khẽ nhíu mày, xong sau đó rất nhanh liền mở to mắt vì ngạc nhiên.

Cũng là giai điệu đó nhưng khi chơi bằng hồ cầm lại mang đến cho người nghe một cảm giác bay bổng khác lạ.

Thanh âm réo rắt vang xa lại không hề đứt quãng, cứ nối tiếp nối tiếp nhau không ngừng, tựa như có thể nhìn thấy đôi bướm quấn quýt, đôi chim liền cành, từng đàn từng đàn cứ thế quẩn quanh.

Nhìn vẻ mặt biến đổi tuần hoàn của Nam Cung Giác, Cơ Tuyết mỉm cười, bởi vì nàng biết, mục đích của nàng đã đạt được.

Không chờ hai người kia thay đổi biểu cảm, Cơ Tuyết đặt cây hồ cầm xuống, cầm lấy cây sáo, cũng bỏ mạng che mặt xuống.

Thì cũng phải thôi, đeo mạng che mặt làm sao thổi sáo a.

Lúc này nhìn thấy rõ ràng diện mạo của Cơ Tuyết, Nam Cung Giác không khỏi hít ngụm khí lạnh.

Lão không phải chưa từng gặp qua mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành, tựa như mẫu thân của Lăng Kỳ, nhưng tiểu nha đầu này lại đẹp một cách diễm lệ, nhất là đôi mắt trong sáng kia.

Cũng may lão đã ở cái tuổi xế chiều có thể xuống mồ bất cứ lúc nào, nếu không lão cũng chưa chắc không thấy động lòng với tiểu nha đầu này.

Ái chà, lão bất giác nhớ đến xú tiểu tử Lăng Kỳ rồi. Nếu như hắn nhìn thấy nữ nhân này, có hay không sẽ động lòng mà chịu thú Vương phi?

Lão mừng thầm trong lòng, di nguyện của mẫu thân hắn có lẽ sắp thực hiện được rồi.

Cơ Tuyết mặc dù thấy Nam Cung Giác nhìn mình bằng ánh mắt khác lạ, nhưng nàng cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ cho rằng vì lão nhìn thấy diện mạo của mình nên mới nhìn lâu thêm một chút mà thôi.

Nếu như nàng biết được lão gia tử đang âm thầm tính toán bán nàng đi, nàng sẽ còn cười vui vẻ nữa được hay không?

Đặt sáo trên môi, Cơ Tuyết lại tiếp tục thổi giai điệu của khúc nhạc ban nãy.



Thanh âm cao vút của sáo như tiếng chim hót vang vọng giữa rừng trúc khiến cho chim chóc cũng phải hờn sầu, lòng người cũng phải rạo rực.

Nam nhân thổi sáo thì quá đỗi bình thường, nhưng nữ nhân thổi sáo thì lại vô cùng mới mẻ. Mà nữ nhân lại đạt được trình độ uyên thâm như thế này, Nam Cung Giác thật sự chưa từng thấy qua, Cơ Tuyết chính là người đầu tiên.

Lão chưa từng thán phục bất cứ nữ nhân nào, tiểu nha đầu này là người đầu tiên lão phải chịu cam bái hạ phong.

Ban đầu thấy tiểu nha đầu này có chút kiêu ngạo, nhưng với tài năng này của nàng, nàng có đủ vốn liếng để mà kiêu ngạo. Đó là điều lúc này đây lão thật sự công nhận.

Nam Cung Giác nhìn Cơ Vũ, xong lại nhìn Cơ Tuyết, khoé môi cong lên.

Lão quyết định rồi, lão không cần Cơ Vũ nữa, phá lệ thu nhận tiểu nha đầu này làm đệ tử đi. Nếu mà nha đầu này chịu, lão sau mày lại thêm nở mặt nở mày rồi. Xú tiểu tử Lăng Kỳ kia cũng được thơm lây a.1

Ba loại nhạc cụ với ba thanh âm khác nhau nhưng cùng một giai điệu, lại mang đến cho người nghe nhiều loại xúc cảm khác nhau. Trên đời này có mấy người có thể làm được điều này?

Chỉ e là không có rồi.

Cơ Tuyết hẳn là người duy nhất mà Nam Cung Giác nhận biết. Trong lòng lão tự hỏi, tiểu nha đầu này gảy đàn tranh sẽ là bộ dáng gì, còn sẽ mang đến cho lão kinh hỉ gì, lão thật có chút gấp gáp rồi.

Ngồi trước cây cổ cầm, Cơ Tuyết theo thói quen khẽ vuốt nhẹ trên dây đàn, gảy vài ba âm, sau đó mỉm cười bắt đầu nhảy múa ngón tay.

Vẫn là giai điệu của khúc "Lưỡng chỉ hồ điệp" nhưng lúc này diễn tấu trên chiếc cổ cầm hai mươi mốt dây này lại khiến nàng chìm đắm thật sự.

Thanh âm quá đỗi trong trẻo, còn trong hơn cả tiếng tỳ bà, vang vọng hơn cả tiếng sáo, da diết hơn cả tiếng hồ cầm. Đó chính là thanh âm của tiếng nước chảy, trong vắt bay bổng hơn cả mây trời.