Chương 56: Giải Đoán Sâm

Bầu trời trên núi, sắc xanh đặc biệt trong trẻo, mấy đám mây trắng dịu dàng trôi trên nền trời, như điểm thêm hai nét tao nhã cho khoảng không trống trải.

Lúa mạch trên triền núi đã sớm được thu hoạch, lưu lại rơm đợi xử lý, đông một đám tây một đám, đôi khi còn được bó thành một đống. Trời tháng tám, thái dương đã treo lên giữa không trung, sắc lửa đỏ đã bắt đầu biến thành ánh sáng trắng chói mắt, khiến người ta không dám nhìn thẳng.

Trên con đường mòn đi dọc lên núi, bà Lan đi đầu, dẫn mấy đứa nhỏ theo, phải đi qua sườn núi mới tới miếu Quan Âm.

Ninh Vũ thích hoạt động như vậy, không có bảy tám bà cô phí sức quản chuyện Lan Hinh kết hôn, cũng không có mấy ông tay cầm ống điếu, vừa hút thuốc về tò mò chuyện làm ăn công việc của Lan Hinh.

Con đường mòn trên triền núi cây cối uốn lượn dày đặc, ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá hắt xuống, dừng lại trên cỏ dại mọc đầy bên đường, ở giữa để lộ một con đường đất khoảng chừng một thước, tạo thành những quang ảnh loang lổ mà hoa mỹ.

Sáng sớm trên núi cũng không nóng, sương sớm còn đọng trên tán lá, trong suốt sáng ngời, có chú dế nhảy ra từ bụi cỏ, không cẩn thận đáp lên một tán lá, khiến giọt sương vỡ tan…..

Vạn vật đều yên tĩnh như thế, nhưng hết thảy lại đều sống động đến vậy. Chim chóc, ong mật, châu chấu, còn có đám ve dính với nhau ở trên cây không ngừng kêu vang, cùng với ếch nhái hoặc cóc ở cái ao nhỏ ở bên đường, rồi cả đám nòng nọc bé xíu đen đen vẫy cái đuôi bơi qua lại trong ao. Tất cả những thứ đó đối với Ninh Vũ mà nói phần lớn đều chỉ từng nhìn thấy trong sách, giờ phút này lại chân thật hiện ra trước mặt, tươi đẹp như thế.

Núi rừng như chốn tiên cảnh, người yêu lại ở ngay bên cạnh, hít thở bầu không khí tươi mới, nghe tiếng chim thanh thuý kêu vang, thi thoảng lại bị sương đọng trên lá rơi xuống trúng người, lành lạnh. Đi mệt có thể dừng chân bên con suối nhỏ ven đường, vốc nước suối rửa mặt, cảm giác mát mẻ trong nháy mắt liền ngập tràn, người cũng cảm thấy lên tinh thần rất nhiều.

Tất cả những điều đó khiến tâm tình suốt hai ngày qua bị sự nhiệt tình muốn làm chuyện tốt của bà con hàng xóm khiến cho buồn bực được giải phóng hoàn toàn, trở lại như ảo tưởng của núi rừng trong cảm nhận của Ninh Vũ — tươi mát, tự nhiên, sạch sẽ, tốt đẹp.

Nếu không phải vì có người lớn ở đây, Ninh Vũ cảm thấy mình có lẽ sẽ tìm một chỗ bằng phẳng trên núi, nằm xuống, để cho ánh nắng nhỏ vụn xuyên qua khe hỡ giữa tán lá dày đặc rơi trên người mình. Có lẽ mình sẽ lẩm nhẩm hát một bài ca, có lẽ sẽ ngâm một bài thơ, cũng hoặc là không làm gì cả, chỉ nhắm mắt lại, ôm người mình yêu hít thở bầu không khí trong lành này.

Con đường mòn uốn lượn gập ghềnh cũng không thể chứa quá nhiều người đi song song, Ninh Vũ liền để Lan Duệ và tiểu Húc đi trước, nàng kéo Lan Hinh đi cuối cùng, đoạn đường núi lãng mạn như thế, nếu không thể nắm tay cùng người mình yêu, Ninh Vũ cứ cảm thấy có chút không đủ hoàn mỹ.



Mà Lan Hinh tựa hồ luôn hiểu biết lòng nàng, theo ý Ninh Vũ, giao bàn tay hơi gầy của mình vào tay Ninh Vũ. Ninh Vũ cảm thấy mình có thật nhiều thật nhiều điều muốn nói, nhưng nắm tay Lan Hinh rồi, trong nháy mắt lại cảm giác tựa hồ cái gì cũng không cần nói mà cô đã hiểu rõ cảm giác trong lòng mình. Hai người ngẫu nhiên đối diện, Lan Hinh cười đến ôn nhu, Ninh Vũ cười đến sung sướng. Ngay cả khi không lên tiếng, lại tựa hồ hoàn toàn thấu hiểu.

Cảm giác này rất kỳ diệu, con đường núi uốn lượn mà lên, như thể không chỉ là hai người, mà là hai trái tim nhẹ nhàng cùng chung bước trên con đường trong cõi lòng. Cho nên, mọi lời nói ngược lại có vẻ dư thừa.

Miếu Quan Âm cũng không xa lắm, đi qua một triền núi, lại băng ngang một ngọn đồi, đến khi mặt trời treo cao trên đỉnh đầu, một góc của miếu Quan Âm ló ra từ rừng sâu đã ở gần ngay trước mắt.

“Miếu Quan Âm linh nghiệm lắm, trong đó có một lão thần tiên là thầy tướng số, cũng rất lợi hại.” Bà Lan nói: “Hồi xưa trước khi mấy đứa thi đại học, mẹ đều đặc biệt chạy tới miếu bái Quan Âm, cầu Quan Âm bồ tát phù họ các con thi cử thuận lợi, có thể đậu đại học tốt nhất.” Bà Lan vừa nói, vừa chắp tay tạo thành chữ thập, vẻ mặt thành kính.

“Còn rút thăm nữa, cũng linh lắm, mọi người quanh đây đều nói linh nghiệm. Trước khi Lan Hinh và Lan Gia thi mẹ đã quỳ trước mặt Quan Âm bồ tát, cầu Ngài phù hộ cho hai đứa vào được trường tốt nhất, sau đó liền rút thăm, chữ trên đó mẹ đọc không hiểu, nên tìm sư phụ giải sâm, ông ấy nói là quẻ tốt nhất, tuyệt đối không thành vấn đề, nói gì mà công danh chỉ trong sớm muộn. Mẹ chỉ biết, khẳng định không thành vấn đề, quả nhiên hai đứa đều thi đậu!” Càng gần miếu Quân Âm, mấy người trẻ tuổi đều thở hồng hộc, chỉ duy nhất người luống tuổi kia quanh năm làm lụng trên núi ngược lại càng nói càng có tinh thần, miệng không ngớt: “Lúc vào miếu Quan Âm, chỉ cần nhớ đến Quan Âm bồ tát thì sẽ không mệt.”

Đến cửa miếu đã ngửi thấy mùi hương nồng đậm, bà Lan lẩm bẩm chắp tay vái ba cái về phía cửa miếu, sau đó mới dẫn đám trẻ vào.

Ngôi miếu cổ trong núi này đã được xây vô số năm tháng trước, tuy cũng không huy hoàng, nhưng mái cong hàng cột cũng coi như có chút khí thế.

Hương khói ở đây đương nhiên không thịnh vượng như trong thành phố, nhiều khi cả ngày không có người, bình thường mỗi lúc hội chùa mới có nhiều thu nhập. Bất quá dù thế, bởi vì quê nhà thờ phụng, đến ngày hội chùa luôn có người cầu thần bái phật muốn đưa chút tiền nhang tiền dầu, hoặc là những người đi làm công xa cầu tài vận, hay người thân mang bệnh cầu được khoẻ mạnh, hay ai thấy vận khí không tốt nên đến cầu bình an, người kết hôn rồi thì đến cầu con cái. Đương nhiên, cũng có nông dân đến chỉ vì cầu cho mưa thuận gió hoà, heo khoẻ gà mập.

Ít tiền thì bỏ vào hòm công đưc năm đồng, ra ngoài kiếm được tiền thì bỏ vào hòm hai mươi đồng, đôi khi thấy người vào miếu tốn hai đồng mua cái đèn trời*……

(*thiên đăng – đèn Khổng Minh)

Tiền công đức tuy kém ra với những ngôi chùa lớn trong thành phố, nhưng cũng không tham ô như thế, tiền công đức ở đây, trừ để làm chi phí cho hai vị hoà thượng trong chùa, gần như đều dùng để sửa chữa chùa miếu. Huống chi hoà thượng đã khai khẩn hai mảnh đất ở bên cạnh miếu, trồng rau xanh củ cải, đồ ăn uống đôi khi những vị hương thân quanh đó cũng sẽ đem lại đây, cơ bản cũng không cần tiêu tiền gì. Đến khi cần sửa chữa, lại lên núi kiếm ít rơm, củi, thậm chí gạch đá, nhân công. Ngôi miếu này cũng coi như do làng xóm quanh đó mười dặm tu bổ gìn dữ.

Bước vào cửa miếu, hoà thượng ngồi xếp bằng trước tượng Phật gõ chiếc chuông đồng bên người một chút, tiếng chuông vang lên, có ý đón khách. Bà Lan lập tức cười chắp tay khom người với vị hoà thượng già: “Ai di đà Phật.”

Hoà thượng tuổi đã cao, hàm răng rớt mất mấy cây, trên khuôn mặt đen đúa tràn đầy nếp nhăn.

“Chị Lan dẫn mấy đứa nhỏ đến à.” Hoà thượng ở nơi này không giả bộ bao thâm. Kỳ thật những người quanh đó chỉ cần thường xuyên đến miếu thì hoà thượng này đều nhận ra, thường chào hỏi tiếp đón.

Bà Lan trò chuyện mấy câu với vị hoà thượng đó, ông liền nói vài câu chúc may mắn, hỏi bà Lan muốn thắp hương hay rút thăm.



Hương nhất định phải thắp, bà Lan không chỉ đặc biệt mua nến thơm, còn thắp đèn cho từng đứa, lại nhét tiền giấy đỏ thẫm vào hòm công đức, khiến lão hoà thượng cười đến toe toét.

Từng người lần lượt trật tự dựa theo ý bà Lan quỳ lạy trước Quan Âm bồ tát. Bà Lan liền ở bên cạnh niệm: “Cầu phù hộ con trẻ thân thể khoẻ mạnh, làm ăn thuận lợi, phù hộ con gái sớm tìm được đối tượng, phù hộ tụi nhỏ tình cảm thuận lợi, phù hộ con trai thành tích học tập thật tốt, tìm được việc làm…….”

Cuối cùng theo thường lệ là rút thăm.

Mỗi người một quẻ.

Sau đó dựa theo số đánh trên quẻ đi tìm tờ giấy chú giải trên giá gỗ.

Lan Duệ thầm nhủ, đây là cái gì chứ, “lục súc vượng, trạch cát, thất vật hiện….”

Lần đầu tiên Ninh Vũ rút thăm, cảm thấy rất thú vị, trong ống có mấy chục quẻ tre, cầm lấy lắc lắc, thẻ nào rơi ra đầu tiên chính là thần chỉ*.

(*Ý chỉ của thần)

Ninh Vũ được quẻ thượng, mà Lan Hinh là quẻ trung.

Chữ trên quẻ là chữ phồn thể, hơn nữa mực in là kiểu cũ, chữ viết cũng không quá rõ ràng.

Quẻ của Ninh Vũ nói: “Du nhiên hoa nhất chi, tĩnh đãi hoa khai thì, đãi đáo xuân nhật lai, nhật nguyệt tương chiếu tế. Hậu diện lưỡng bài, bất quá thuyết ta quán lệ, chư như bệnh dũ, trạch cát, sinh nam, súc vượng” linh tinh gì đó.

(*Kể ra mình dịch cũng được mà lười quá, các bạn đọc hiểu được ngần nào thì hiểu nhé =]])

Thứ này không giống thơ, nếu giải thích từng từ thì lại không đúng, mà nếu nói ý tứ thôi thì lại không thâm ảo. Đại khái có ý chờ đúng thời điểm đến thì tự nhiên sẽ tốt. Ninh Vũ kỳ thật muốn nói thứ ba phải kiểu cái nào cũng được này muốn hiểu theo nghĩa nào cũng được, đại khái cũng không nhiều ý nghĩa thực tế cho lắm.

Nghiêng đầu nhìn tờ giấy mỏng trên tay Lan Hinh, mực in trên đó rất đen, chữ cũng rõ ràng, viết theo hàng dọc từ phải qua trái, nói là: “Lai thì sơn lộ khi khu, khứ thì hoa mãn trọng lâu, đãi đáo xuân mạt hoa điêu, hựu phục đông nhật hàn tịch, khấu thủ phật tiền tư lượng, nhất sinh cánh khổ như tư, khước nhân lai thì tích thiện, chú định khứ thì đắc hoan.”

Mấy câu này thật ra rất dài, từ đầu đến cuối, kín tờ giấy. Lan Hinh nhìn hàng chữ trên tờ giấy, gần như nói trúng tâm sự của mình, chỉ mỗi kết cục, không nói rõ được đó có phải kết cục mình muốn không.



Ninh Vũ thấy Lan Hinh trầm tư, không khỏi lấy ký văn trên tay cô lại xem, cẩn thận suy nghĩ một chút, liền bỏ tờ giấy chú giả vào túi áo mình, sau đó đưa quẻ thượng của mình cho Lan Hinh: “Của em cho chị, của chị đưa cho em, nếu quẻ của chị không tốt thì chúng ta đổi cho nhau.”

Lan Hinh bị Ninh Vũ chọc cười: “Nếu đã là ý trời, sao có thể nói đổi liền đổi đây?”

Ninh Vũ cười: “Nếu là ý của Phật, vậy đổi ngay trước mặt Phật, để cho Bồ Tát lão nhân gia biết tâm ý của chúng ta.”

Lan Hinh kéo tay Ninh Vũ, thấp giọng: “Nếu thật sự là ý tứ của Bồ Tát, vậy nếu có cực khổ thì để tôi chịu là được, cũng không thể nói lung tung trước mặt Ngài.”

Ninh Vũ cười ngây ngô, lặng lẽ ghé sát bên tai Lan Hinh nói: “Chị nghiêm túc vậy à? Vận mệnh của con người có hàng ngàn hàng vạn, chỉ mấy quẻ thăm chục tờ giấy này là có thể khái quát? Thả lỏng tâm, cho dù trước kia chị phải chịu khổ thì sau này cũng sẽ không phải chịu nữa.”

Lan Hinh gật đầu, lại vẫn bổ sung một câu: “Vào miếu vẫn nên thành kính một chút.”

“Tuân mệnh!” Ninh Vũ nói.

Đám trẻ trao đổi ký văn của nhau, náo nhiệt chốc lát.

Bà Lan nói, lão sư phụ giải đoán thăm rất linh nghiệm, hẳn nên tìm ông ấy hỏi một chút. Lan Duệ đắc ý nói, những gì viết trên ký văn đều có thể hiểu, người giải đoán sâm chỉ là để phục vụ cho người không biết chữ thôi. Con thấy nhà mình không cần, nếu không không phải ăn học nhiều năm uổng phí sao?

Bà Lan cũng là hiền thê lương mẫu tiêu chuẩn, cũng không cố chấp, đám trẻ đã nói không cần giải thăm thì không cần.

Bất quá còn một việc là việc quan trọng nhất hôm nay, đó là xem bát tự.